Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vai trò Bảo vệ thực vật là một vấn đề mấu chốt để đảm bảo thành công của sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt. BBT xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng- Phó Chủ tịch HLV VN, nguyên Cục trưởng cục BVTV về vấn đề này.
Bảo vệ thực vật (BVTV) là một vấn đề mấu chốt để đảm bảo thành công của sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) trong lĩnh vực trồng trọt. Tại nhiều nước trên Thế giới, nguyên nhân chính hạn chế việc mở rộng quy mô sản xuất nông sản hữu cơ là thiếu các biện pháp quản lý sinh vật hại có hiệu quả, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Nhiều nhà khoa học cho rằng, BVTV là một trong những công việc khó khăn nhất mà người sản xuất phải đối mặt và không phải là một việc đơn giản (not a simple matter) trong thực hành sản xuất NNHC. BVTV hữu cơ (Organic plant protection) là một vấn đề luôn được các nước đặc biệt quan tâm để tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất NNHC.
Kinh nghiệm thực tiễn của sản xuất NNHC cho thấy, để đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng một cách bền vững, BVTV hữu cơ không phải đơn thuần là “ IPM không sử dụng hoá chất ” mà phải là một nghệ thuật điều khiển các hoạt động và tăng cường chức năng của hệ sinh thái (ecological services) theo chiều hướng thuận lợi cho cây trồng và hạn chế quần thể sinh vật gây hại ở mức chấp nhận được, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng sản xuất và cây trồng. BVTV hữu cơ có cách tiếp cận dựa vào tự nhiên là chính và đảm bảo 4 nguyên tắc của NNHC ( Sức khoẻ; Sinh thái; Công bằng; Cẩn trọng).
Sản xuất nông nghiệp thông thường (conventional agriculture) và sản xuất nông nghiệp hữu cơ (organic agriculture) đều phải đối mặt với các thách thức như nhau liên quan đến sinh vật hại cây trồng, tuy nhiên mức độ gây hại của từng loài cụ thể có sự khác nhau. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả nước ngoài, cây trồng trong sản xuất NNHC thường ít bị các loài sâu chích hút hại hơn, nhiều bệnh hại rễ phát sinh trong đất cũng bị hạn chế tốt hơn, tuy nhiên có nhiều loại sâu như bọ hung, sâu xám, các nấm bán hoại sinh… có thể tồn tại lâu dài trong đất như các loại nấm hạch lại gây hại nặng hơn do môi trường đất có nhiều chất hữu cơ hơn. Chi phí, chủ yếu là công lao động cho công tác BVTV trong sản xuất NNHC thường cao hơn so với sản xuất NNTT.
BVTV trong sản xuất nông nghiệp thông thường và NNHC hiện nay đều chủ yếu dựa trên phương châm” phòng là chính” và chỉ áp dụng các biện pháp diệt trừ nhằm giảm mật độ sinh vật hại khi thật sự cần thiết. Tuy nhiên, đối với sản xuất NNHC thì sự lựa chọn các biện pháp quản lý sinh vật hại bị hạn chế hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Trong sản xuất NNHC, các loại thuốc BVTV hoá học không được phép sử dụng (trừ một số rất ít các hoạt chất có trong danh mục được phép sử dụng trong tiêu chuẩn hữu cơ trên một số cây trồng, đối tượng và mục đích cụ thể với lượng rất hạn chế và phải được quản lý nghiêm ngặt). Tiêu chuẩn NNHC không cho phép sử dụng giống cây trồng và các vật liệu biến đổi gen. Tại một số nước, các biện pháp sinh học trong phòng trừ cỏ dại cũng không được phép sử dụng.
Tại các nước có NNHC phát triển, trong các chương trình tập huấn cho nông dân các cán bộ khuyến nông đều hướng dẫn và nhấn mạnh 6 nguyên tắc cơ bản của BVTV hữu cơ gồm:
Bảo vệ sức khoẻ của đất (Đất khoẻ thì cây trồng khoẻ vì đất nuôi dưỡng cây trồng và tác động trực tiếp đến cây trồng)
Chọn giống cây trồng phù hợp (Giống chống chịu sâu bệnh hại, sạch bệnh, thích ứng với điều kiện địa phương)
Chăm sóc cây khoẻ (Cây khoẻ, phát triển cân đối sẽ có sức đề kháng sâu bệnh hại tốt)
Thăm đồng thường xuyên (Phát hiện sớm sự xuất hiện của sâu bệnh hại để có các biện pháp phòng chống hợp lý mà không phải dùng thuốc đồng thời biết được tình trạng cây trồng để điều chỉnh phân bón, nước tưới… kịp thời )
Bảo vệ và tăng cường vai trò của thiên địch tự nhiên (Đảm bảo cân bằng sinh thái, không để quần thể sâu bệnh hại bùng phát đến mức gây hại kinh tế)
Chỉ sử dụng các thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc, nguồn gốc tự nhiên (Không sử dụng hoá chất để đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất NNHC). Hiện nay, các biện pháp BVTV hữu cơ đang được áp dụng chủ yếu như sau:
Các biện pháp “ phòng” (Prevention- indirect methods) chủ yếu gồm:
+ Cách ly khu vực sản xuất theo không gian và thời gian
+ Thủ công, cơ giới
+ Sử dụng phân bón hữu cơ, vi lượng và TE (Trace elements)
+ Xen canh, gối vụ
+ Đa dạng giống của cùng một loài cây trồng
+ Sử dụng hạt giống, hom giống sạch sâu bệnh
+ Ứng dụng công nghệ sinh thái, bảo vệ và khai thác thiên địch tự nhiên
+ Đa dạng cây trồng tại khu vực sản xuất
+ Sử dụng giống hỗn hợp, giống chống chịu
+ Sử dụng cây “đồng hành” (accompanion, associated plants)
+ Luân canh cây trồng
+ Điều khiển độ ẩm đất
+ Thời vụ, mật độ hợp lý
+ Lựa chọn địa điểm sản xuất thuận lợi, hợp lý
Các biện pháp “ Bảo vệ trực tiếp” (Protection- direct methods) chủ yếu gồm:
+ Sử dụng bẫy, bả (Pheromones, protein, một số ít hoá chất diệt sâu được phép sử dụng hạn chế)
+ Sử dụng các thuốc trừ sâu thảo mộc có nguồn gốc tự nhiên (Azadirachtin, Rotenone…)
+ Sử dụng rất hạn chế một số thuốc hoá học trong danh mục cho phép của tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ (một số thuốc gốc đồng, Lưu huỳnh, vôi, thuốc tím, dầu khoáng…)
+ Sử dụng một số thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học (Spinosad…)
+ Sử dụng các chế phẩm sinh học (Bt, NPV, Metarhizium…)
+ Biện pháp vật lý (Đốt hoặc sử dụng ánh nắng mặt trời) để làm giảm nguồn sâu bệnh, cỏ dại.
Nhiều tác giả cho rằng, mục tiêu chính của BVTV hữu cơ là loại trừ các nguyên nhân dẫn đến sự phát sinh, phát triển, bùng phát mật độ của sinh vật hại. Các biện pháp chủ động phòng ngừa cần được đặc biệt quan tâm, đóng vai trò chủ đạo và quyết định sự thành công của công tác bảo vệ thực vật trong sản xuất NNHC. Trong khi đó, quản lý tổng hợp dịch hại (IPM) vẫn cho phép sử dụng các loại thuốc hoá học khi cần thiết theo nguyên tắc “4 đúng” (Đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, nồng độ và đúng cách). Vì vậy, nếu để dịch sâu bệnh bùng phát trong khu vực sản xuất NNHC thì các biện pháp sinh học được phép sử dụng sẽ khó có khả năng dập tắt dịch nhanh chóng như các thuốc hoá học. Một khi đã phải dùng thuốc hoá học để “ cứu vãn tình thế” thì sản phẩm sản xuất ra sẽ không đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ và không được dán nhãn “ hữu cơ” và chỉ được bán như sản phẩm thông thường. Ngoài ra, khu vực sản xuất NNHC đã sử dụng thuốc hoá học lại phải đánh giá lại và phải thực hiện thời gian chuyển đổi sang sản xuất NNHC. Như vậy, để bảo vệ sản xuất hữu cơ thành công thì BVTV hữu cơ phải có cách tiếp cận khác, không phải là “IPM không sử dụng hoá chất”.
BVTV hữu cơ chính là bảo vệ sự cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái nông nghiệp trong vùng sản xuất NNHC, không chỉ quan tâm đến sức khoẻ cây trồng mà cần quan tâm đến sức khoẻ của cả hệ sinh thái vùng trồng. Một số tác giả cho rằng, bảo vệ thực vật trong sản xuất NNHC cần hướng tới việc tăng cường“Community resistance”(Tạm dịch là “ Sức đề kháng cộng đồng”) của hệ sinh thái nông nghiệp tại vùng sản xuất.
BVTV hữu cơ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo thành công của sản xuất NNHC trong lĩnh vực trồng trọt, tuy nhiên đây là vấn đề còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Vì vậy, trong những năm tới cần quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ về BVTV hữu cơ. Đây là chìa khoá để mở đường cho sự phát triển và thành công của NNHC ở nước ta./.
Nguồn: http://www.vacvina.org.vn/xem-tin-tuc/bao-ve-thuc-vat-huu-co-cach-tiep-can-va-nhung-nguyen-tac-co-ban.html