1. Giới thiệu chung
1.1. Triệu chứng
Trên lá, bệnh gây các triệu chứng đốm lá hoặc khô đầu lá, cháy mép lá. Ban đầu vết bệnh chỉ là một đốm nhỏ mầu vàng, sau phát triển thành các vết đốm có màu xám tro. Trên vườn, triệu chứng khô đầu lá từ mép lá vào trong phiến lá thường ghi nhận phổ biến hơn. Trên vết bệnh xuất hiện các hạt mầu đen, nhỏ li ti. Ranh giới giữa phần bị bệnh và phần khoẻ có đường viền màu nâu sẫm.
Trên lộc, chồi non vết bệnh ban đầu thường có dạng thấm nước, sau chuyển màu nâu tối. Trời nắng toàn bộ chồi non bị chết khô, trời mưa nhiều các chồi này bị thối. Bị bệnh nặng chúng sẽ gây hiện tượng khô cành.
Trên chùm hoa và quả non, bệnh phát triển trên cả hoa và cành hoa. Ban đầu là vết nhỏ mầu đen kiểu thấm nước, sau đó lan dần làm cho cả cành hoa và chùm hoa bị bệnh. Trên cành hoa, vết bệnh có mầu đen, hơi lõm xuống. Trời nắng bệnh làm khô cành hoa và gây rụng hoa, trời mưa gây thối hoa và rụng hoa . Nấm còn gây hiện tượng rụng quả ở giai đoạn quả non.
Giai đoạn phát triển quả đến chín, bệnh gây các vết đốm nâu trên quả. Vết đốm không định hình và được giới hạn theo các gai quả. Thông thường ở giai đoạn phát triển thịt quả (cùi vải), quả bị bệnh khô dần và thường “đeo” trên chùm quả đến hết mùa quả. Ở giai trước chín, vết bệnh thường là các đốm đen, ban đầu mầu nâu. Quả bị bệnh ở giai đoạn này làm giảm giá trị thương phẩm của quả vải.
1.2. Nguyên nhân
Bệnh do nấm Collectotrichum gloeosporioides gây ra. Sợi nấm có nhiều vách ngăn, phân nhánh nhiều. Bào tử trong suốt, có dạng hình hạt gạo, bên trong có các “giọt dầu”. Kích thước bào tử 12,5-15 x 4-5µm. Trong điều kiện ẩm trên vết bệnh có thể quan sát thấy đĩa cành dưới kính hiển vi và trên đó xuất hiện các lông cứng mọc qua lớp biểu bì của ký chủ. Lông cứng thường có màu nâu, mọc thẳng, không có hoặc có một vách ngăn, kích thước 32-38 x 4µm.
1.3. Phát sinh gây hại
Bệnh gây hại phổ biến ở các vùng trồng vải. Bào tử nấm trên các vết bệnh được nước mưa, hoặc theo côn trùng lây lan từ cây này qua cây khác.
Bệnh gây hại nặng trong điều kiện nóng, ẩm.
Nguồn bệnh tồn tại trên tàn dư cây bị bệnh: lá, cành, chùm hoa và quả. Bệnh gây hại trên lá ít ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng quả vải. Tuy nhiên nguồn bệnh trên lá, cành non là nguồn nấm bệnh gây hại trên chùm hoa, quả và gây thiệt hại rõ ràng nhất, có ý nghĩa kinh tế nhất là gây rụng hoa, quả non và các vết đốm mầu nâu đen trên quả trước khi chín.
2. Biện pháp canh tác
Tạo tán theo hướng mở tâm hình chữ V để cho tán cây thông thoáng.
Thu dọn tàn dư cây bệnh sau mỗi vụ thu hoạch để hạn chế nguồn bệnh trên cây và trong vườn.
3. Biện pháp thuốc BVTV
Thường xuyên thăm vườn, khi thấy bệnh xuất hiện tiến hành sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.
Nguồn: Nông dược Việt Nam