Tên khoa học: Scirtothrips dorsalis Hood
Họ Thripidae
Bộ cánh tơ: Thysanoptera
1. Triệu chứng, tác hại của bọ cánh tơ
Cả bọ non nở ra đến trưởng thành, chúng bám ở mặt dưới lá non, tôm chè và trên cọng búp để gây hại, làm cho mặt dưới lá và trên cọng búp nổi lên đường sần sùi song song màu nâu xám.
Búp chè bị hại có biểu hiện cứng, lá dày màu xanh sẫm, có thể lá bị nhăn hoặc biến dạng. Chỉ cần một vài con bọ cánh tơ vẫn có thể làm giảm chất lượng búp chè, búp chè bị hại sẽ bị khô, giòn dễ vỡ vụn, chè chế biến sẽ có vị đắng hơn, pha chè nước bị vàng kém xanh.
Khi chè bị bọ cánh tơ hại nặng, lá và tôm chè bị rụng sớm, lá non bị biến dạng, các mầm non héo thâm và ảnh hưởng đến năng suất búp chè lứa tiếp theo.
2. Đặc điểm hình thái, sinh sống gây hại của bọ cánh tơ
+ Đặc điểm hình thái
Trưởng thành: dài khoảng 0,5 – 1,2 mm, có 4 cánh hẹp, trên cánh có nhiều lông tơ dài, thân có màu từ đỏ nâu nhạt hoặc màu vàng xanh nhạt.
Trứng: có hình dạng như quả đậu, dài khoảng 0,3 – 0,4 mm, trứng được đẻ ở trong mô lá non và mầm non.
Bọ non: Không có cánh. Thân dài khoảng 0,4 – 0,6 mm. Đẻ trứng ở trong mô lá non và mầm non.
Nhộng: Khi đẫy sức bọ cánh tơ non chuyển thành dạng nhộng non. Nhộng non có các râu mọc ra phía trước và có hai miếng cánh nhỏ.
Sau khoảng 2 – 4 ngày nhộng non lột da chuyển thành nhộng bọc. Nhộng bọc thường tìm thấy ở trên các lá rụng hoặc trên mặt đất
+ Đặc điểm sinh sống gây hại.
Bọ cánh tơ thường tập trung gây hại trên các nương chè khô hạn, còi cọc, chè già.
Bọ cánh tơ thường ít di động, sống chủ yếu ở mặt sau lá rất non và ở khe hở của tôm chè.
Trứng đẻ từng quả vào mô lá gần gân lá, trứng từ khi đẻ đến nở khoảng 8 -16 ngày tuỳ thuộc vào nhiệt độ môi trường.
Sâu non hoạt động gây hại trên các tôm chè, mặt sau lá non và trên cọng búp và sống khoảng 8 -16 ngày.
Khi đẫy sức sâu non vào nhộng.
Thời gian nhộng non khoảng 2-4 ngày và nhộng bọc khoảng 4-7 ngày. Trưởng thành từ khi vũ hoá đến khi chết khoảng 5-19 ngày.
Vòng đời của bọ cánh tơ khoảng 21- 42 ngày (có thể hoàn thành từ khi trứng đến con trưởng thành có thể đẻ trứng).
+ Đặc điểm phát sinh, phát triển:
Bọ cánh tơ thường phát triển mạnh trong thời tiết khô, nóng, mỗi năm bọ cánh tơ có 2 đợt bột phát:
Đợt 1: từ tháng 4 đến tháng 8, đợt này chè đang ra lá mới, bọ cánh tơ gây hại nặng.
Đơt 2: từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11, đợt này gây hại ít và thường trên diện hẹp.
Trong các giống chè thì giống Shan bị hại nặ ng nh ất, giống Trung du và PH1 bị hại như nhau, các giống TRI 777 và đại bạch trà bị cánh tơ hại ít hơn.
3. Biện pháp phòng trừ bọ cánh tơ
– Trồng và chăm sóc cây chè khoẻ mạnh để có thể chống chịu được bọ cánh tơ.
Bọ cánh tơ thường tập trung gây hại trên các nương chè khô hạn, còi cọc, chè già và thường chỉ tấn công gây hại trong vài tuần, vì vậy việc trồng và chăm sóc cho cây chè khỏe mạnh bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp như hàng năm cày đất để diệt nguồn bọ cánh tơ cư trú trong đất, trồng cây che phủ đất, tưới nước giữ ẩm cho nương chè, phủ đất kín rễ không để rễ chè lộ lên trên mặt đất, bón phân cân đối.
– Hái chè thường xuyên, triệt để để loại bỏ trứng, bọ cánh tơ non và trưởng thành… Tất cả các biện pháp trên nhằm tác động làm giảm mật độ bọ cánh tơ, cây chè sẽ sinh trưởng tốt vượt qua khỏi các tổn thương nhanh hơn.
– Kiểm tra nương chè thường xuyên: trong thời gian bọ cánh tơ phát triển gây hại nhiều, người sản xuất chè cần thường xuyên kiểm tra theo dõi bọ cánh tơ trên nương chè của mình. Sử dụng kính lúp cầm tay để đếm bọ cánh tơ có trên búp chè kết hợp với vết gây hại. Phân tích, đánh giá diễn biến của chúng trên nương chè, số lượng thiên địch, diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng và phát triển của cây chè… Trên cơ sở đó ra quyết định xem nên tác động các biện pháp kỹ thuật nào vào nương chè cho có lợi nhất.
– Bảo vệ và hỗ trợ thiên địch trên nương chè rất quan trọng trong việc hạn chế mật độ bọ cánh tơ. Muốn bảo vệ và hỗ trợ thiên địch người trồng chè cần giảm phun thuốc trừ sâu và khi phải phun thuốc thì nên chọn các thuốc trừ sâu có phổ tác động hẹp, ít độc hại với thiên địch.
– Chỉ phun thuốc trừ bọ cánh tơ khi điều tra thấy đạt ngưỡng mật độ phòng trừ: 1-2 con/búp.
* Chú ý: Đảm bảo thời gian cách ly đúng với từng loại thuốc, đảm bảo nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV.
Chọn thuốc trừ sâu. Đặc biệt thuốc chọn lọc, có nguồn gốc sinh học, thuốc ít độc hại.
Sản phẩm: Goldra 250WG, Matoko 50WG, Yoshito 200WP