1. Giới thiệu chung
Bệnh đạo ôn là một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm nhất đối với cây lúa. Bệnh gây hại ở tất cả các quốc gia có trồng lúa nước lẫn lúa cạn. Trong điều kiện thuận lợi bệnh phát sinh, phát triển nhanh gây thiệt hại cho năng suất, thậm chí khi phát triển thành dịch thì bệnh có thể làm mất mùa hoàn toàn.
1.1. Triệu chứng
Triệu chứng gây hại của bệnh xuất hiện ở cả các bộ phận trên mặt đất của cây lúa: lá, lá đòng, cổ bông, đốt thân, bông lúa, hạt lúa. Tuy nhiên, phổ biến nhất là vết bệnh trên lá.
Lá lúa (H1, H2, H3): Ban đầu, vết bệnh màu xám xanh, không có hình dạng nhất định (hình phía trên). Vết bệnh cũng khi có hình thoi đặc trưng với màu trắng xám ở giữa, xung quanh có viền màu nâu đỏ rõ rệt. Vết bệnh phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh: giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, mức độ kháng bệnh của giống. Trong điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển, vết bệnh có thể lan rộng và làm khô hoàn toàn lá.
Cổ lá đòng (H4): Bệnh gây hại trên cổ lá đòng. Tại điểm tiếp xúc giữa cổ lá đòng và thân bệnh làm chết mô tế bào của cả lá đòng và thân cây lúa. Trong điều kiện thuận lợi vết bệnh có thể phát triển ra khắp lá đòng và làm lá chết khô. Nấm có thể xâm nhập và gây hại vào bẹ lá.
Đốt thân (H5): Bệnh cũng gây hại trên đốt (mắt) thân. Ở đây vết bệnh có màu nâu hay đen. Sợi nấm có thể hình thành bào tử từ vết bệnh này. Dó đó đây cũng là một nguồn bệnh cho vụ sau.
Cổ bông và bông lúa (H6, H7): Từ những lá đòng bị bệnh nấm có thể gây hại cổ bông và từ đó ảnh hưởng đến quá trình làm hạt. Vết bệnh trên cổ bông khi bị nhiễm bệnh màu nâu tía. Quá trình gây hại này thường làm thối cổ bông dẫn đến làm tăng số hạt lép lửng. Khi bị nặng, bệnh gây ra hiện tượng bông bạc ở bông chính (ảnh bên phải) hoặc các gié con. Vết bệnh ở đây cũng sinh ra nhiều bào tử. Đây cũng là một nguồn bệnh cho vụ sau.
Trên hạt (H8): Trên hạt bị nhiễm bệnh tạo thành những vết nâu. Nấm bệnh có thể xâm nhập vào trong hạt và trở thành nguồn bệnh cho vụ kế tiếp nếu sử dụng những hạt giống này.
1.2. Nguyên nhân
Bệnh đạo ôn gây hại bởi nấm Ascomycete: Pyricularia oryzae (các tên gọi khác: Pyricularia grisea Sacc., Magnaporthe oryzae, Magnaporthe grisea Barr. Bào tử hình quả lê 20 × 10 µm, trong đó chứa các bào tử nguyên phân. Hình bên trái.
Chúng nảy mầm và hình thành một kiểu tế bào đặc biệt ở đầu cùng của ống mầm nhằm giúp sợi nấm xâm nhập vào các mô của cây lúa. Hình bên phải.
Trong khoảng 20 ngày một bào tử có thể hình thành xong một vòng đời. Từ các vết bệnh trên lá có thể hình thành tối đa 20 000 bào tử, còn ở trên các dảnh của bông lúa con số cực đại là 60 000. Vòng đời của nấm được mô tả như sau:
(Tóm tắt: Từ cành bào tử, các bào tử phát tán đến bề mặt lá lúa và được dính ở đó nhờ một chất nhầy tiết ra từ bào tử. Sau đó bào tử hình thành một ống mầm. Từ đầu ống mầm hình thành tế bào vách phình to và nhờ sự trợ giúp của Melanin có trong ống mầm mà tế bào vách tạo ra một áp lực để “khoan” vào các mô của lá ký chủ. Từ đó sợi nấm mới hình thành).
Nguồn bệnh có thể tồn tại trên lúa chét, tàn dư và hạt giống để truyền cho vụ sau. Sơ đồ dưới minh họa cho chu kỳ gây hại của hạt giống nhiễm bệnh.
(Tóm tắt: Các hạt lúa bị nhiễm bệnh khi bệnh gây hại trên bông. Khi được gieo bào tử nảy mầm và xâm nhập vào rễ hoặc bao lá mầm. Khi cây lúa phát triển bào tử hình thành trên lá và các bộ phận khác của cây cho đến cuối giai đoạn sinh trưởng của cây chủ).
1.3. Phát sinh gây hại
Bệnh thường phát sinh gây hại trong điều kiện ẩm, nhiệt độ ban đêm cao. Nhiệt độ ban đêm khoảng 20oC cùng với nhiệt độ ban ngày khoảng 30oC thì cực thuận lợi cho bệnhh phát sinh, phát triển. Nhiệt độ ban đêm cao cũng chính là điều kiện hình thành giọt sương trên bề mặt lá lúa.
Trời âm u, ẩm độ không khí cao là thích hợp cho nấm phát triển.
Nấm bệnh không phát triển được trong điều kiện ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Bệnh dễ phát sinh từ các ruộng lúa có một lượng đạm cao từ phân bón.
Trên vùng đất cao (đồi, núi) có độ ẩm đất thấp, có mưa thường xuyên và kéo dài hoặc sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao thì bệnh cũng dễ phát sinh, phát triển.
Khi điều kiện bên ngoài cực thuận thì từ một vết bệnh có thể sản sinh hàng trăm đến hàng ngàn bào tử trong một đêm và một bào tử có thể hoàn thành vòng đời trong vòng một tuần lễ. Hơn nữa khả năng sinh bào tử trên một vết bệnh có thể kéo dài đến trên 20 ngày. Nếu điều kiện cực thuận kéo dài thì khả năng hình thành các vòng đời mới có thể tiếp diễn đến tận cuối của vụ lúa.
Thời kỳ ủ bệnh có thể tính toán dựa trên công thức sau:
Y = – 0.45X + 16.3 (đối với thời kỳ gieo mạ).
Y = – 0.60X + 20.8 (đối với thời kỳ đẻ nhánh).
Trong đó: Y = thời kỳ ủ bệnh. X = nhiệt độ trung bình hàng ngày.
Thời gian ủ bệnh trên bông khoảng 5 – 7 ngày. Còn trên các mấu thân, cổ bông khoảng 10 – 12 ngày.
2. Biện pháp canh tác
Thực hiện luân canh (lúa – rau hoặc các cây trồng khác), nhất là trên những chân ruộng thường bị bệnh.
Vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch và trước khi gieo trồng vụ mới.
Luôn giữ nước trong ruộng trong điều kiện có thể.
Không nên bón phân tập trung (nhất là phân đạm) vào thời kỳ đầu. Các thời điểm bón phân về sau cần lưu tâm đến điều kiện sinh trưởng của cây trồng, diễn biến thời tiết và tình hình của bệnh.
Gieo trồng các giống chống bệnh.
3. Biện pháp thuốc BVTV
Bệnh đạo ôn hại lúa có thể sử dụng nhiều loại thuốc khác để phòng trừ hiệu quả nhưng trong giới hạn của Giải pháp này chúng tôi chỉ hướng dẫn sử dụng được một số loại thuốc.
Ghi chú:
Nếu các dịch hại xảy ra cùng lúc có thể kết hợp thuốc để giảm công phun.
Cùng với giải pháp này kính đề nghị quý khách căn cứ sự chỉ đạo của cơ quan BVTV địa phương để vận dụng tốt, đảm bảo hiệu quả cao với tiêu chí phòng là chính.
Nguồn: Nông dược Việt Nam