Giá phân bón “nhảy múa”, nông dân đứng ngồi không yên

Giá phân bón đang tăng đột biến giữa lúc dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khiến khó khăn càng thêm chồng chất lên vai nhà nông. Nỗi lo về chi phí đầu vào trước vụ sản xuất mới khiến bao người nông dân đứng ngồi không yên. Thay đổi phương thức canh tác, giảm dần phân bón vô cơ là giải pháp đang được nhiều nông dân tính đến…

Giá phân bón đang tăng cao khiến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng
Giá phân bón đang tăng cao khiến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng

“Hụt hơi” vì giá phân bón

Từ đầu năm 2021 đến nay, phân bón tăng giá chóng mặt, có những loại tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Khảo sát thị trường các tỉnh vùng Trung Bộ cho thấy, giá các loại phân bón hiện đang ở mức cao. Vụ Đông Xuân 2022, giá cả một số loại phân bón dao động mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, đạm Ure năm ngoái giá 800 ngàn đồng/100kg, nay tăng lên 1,8 triệu đồng/100kg; phân Kali từ 820 ngàn đồng lên hơn 1,4 triệu đồng/100kg; phân NPK 8-10-3 tăng từ 540 ngàn đồng/100kg lên hơn 1,4 triệu đồng/100kg, phân lân tăng từ 340 ngàn đồng/100kg lên gần 500 ngàn đồng/100kg.

Ông Nguyễn Xuân Nhã ở xóm Đông Phú, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) có 7 sào đất lúa. Mọi năm, chi phí mua phân bón cho mỗi vụ chỉ hết chừng 1,5 triệu đến gần 2 triệu đồng. Nhưng nay, giá phân bón tăng cao khiến chi phí đội lên rất lớn. Ông Nhã lo lắng: Cứ đà tăng này thì đến bỏ ruộng thôi. Làm nông nghiệp vốn bấp bênh, thu nhập thấp, nay giá phân bón quá cao thì lỗ nặng.

Câu chuyện của ông Nhã đang là nỗi lo, trăn trở của hàng triệu nông dân trước thềm vụ sản xuất Đông Xuân 2022. Ông Trần Thọ Thống ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) bất an: Từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng chóng mặt. Riêng 3 tháng trở lại đây, giá nhiều loại phân bón tăng thêm 50% khiến chúng tôi gặp khó khăn cho việc cân đối gieo trồng. Chẳng hạn, đạm Ure trước đây có giá 350.000 đồng/bao 50kg nhưng nay đã tăng lên 840.000 đồng/bao; Kali cũng tăng lên hơn 750.000 đồng/bao. So sánh cùng kỳ năm trước, các loại phân bón đã tăng 2 – 3 lần.

Nông dân thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh làm đất chuẩn bị sản xuất
Nông dân thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh làm đất chuẩn bị sản xuất

Giá phân bón “nhảy múa” khiến chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp đội lên nhiều lần nên vụ đông năm nay, nông dân nhiều địa phương vùng Trung Bộ không mặn mà với đồng ruộng. Còn vụ Xuân 2022 sắp tới, tiếp tục được dự báo với quá nhiều khó khăn, thách thức đang chờ những “hai lúa”.

Ông Phạm Văn Thống, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất phân bón Thống Nhất ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: Các loại phân bón bắt đầu tăng giá từ đầu năm 2021 và tăng mạnh 3 tháng gần đây. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá phân bón tăng cao đột biến là do giá nguyên nhiên liệu sản xuất tăng; bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng tăng theo. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, vì thế nguyên liệu nhập khẩu không đều dẫn đến khan hiếm nguồn cung.

Vụ Đông Xuân 2022, Quảng Bình cơ cấu 29.000ha lúa, 5.000ha ngô, 4.500ha lạc và 5000ha các loại khác. Hiện tại, bà con nông dân đang làm đất, chuẩn bị giống, phân bón cho vụ sản xuất mới.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc sở NN&PTNT Quảng Bình chia sẻ: Giá phân bón tăng quá cao đang khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, chi phí vật tư phân bón chiếm mức đầu tư lớn nhất so với thuê nhân công, thuê máy gặt, cày bừa. Sở đang thành lập đoàn phối hợp các lực lượng kiểm tra chất lượng phân bón để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, găm hàng trong bối cảnh giá vật tư tăng cao.

Tập huấn phương pháp sản xuất và bón phân hữu cơ vi sinh cho nông dân Nghệ An
Tập huấn phương pháp sản xuất và bón phân hữu cơ vi sinh cho nông dân Nghệ An

Tìm cách thích ứng

Thực tế cho thấy, dù giá phân bón tăng cao nhưng giá cả nhiều mặt hàng nông sản không tăng, thậm chí sụt giảm. Điều này dẫn đến người nông dân đang “khóc ròng” trên chính đồng ruộng của mình.

Để tiếp tục sản xuất, đảm bảo chất lượng và sản lượng, trong khi các nhà quản lý còn loay hoay với bài toán kiểm soát giá cả phân bón đang tăng phi mã, thì cũng không ít nông dân đã tìm cách thích ứng linh hoạt.

Trước tình hình giá vật tư tăng cao và hướng tới sản xuất an toàn, HTX An Lộng, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã xây dựng mô hình thâm canh lúa hữu cơ, sử dụng kỹ thuật ủ phân hữu cơ đế bón trên 10ha.

Ông Đoàn Đức Tâm, một hộ dân tham gia mô hình cho biết: Canh tác lúa theo hướng hữu cơ sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vứt bỏ tràn lan trên đồng ruộng, thay vào đó, ý thức chấp hành quy trình chăm sóc lúa bằng phân hữu cơ của người nông dân đã được nâng lên. Quan trọng là chi phí đầu tư ban đầu giảm; từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, chúng tôi luôn cảm thấy an tâm.

Nông dân kiểm tra phân ủ hữu cơ vinh sinh phục vụ sản xuất
Nông dân kiểm tra phân ủ hữu cơ vinh sinh phục vụ sản xuất

Ông Nguyễn Hữu Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hạ, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) thông tin: Trong vài năm qua, chúng tôi đã đẩy mạnh nhân rộng mô hình ủ phân hữu cơ tại các gia đình. Số hộ và lượng phân bón vi sinh sản xuất đều tăng qua mỗi năm. Hiện, có hơn 200 hộ tham gia đã cho thấy tính hiệu quả.

Còn ông Nguyễn Cao Cường, Trưởng phòng kỹ thuật – Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh trao đổi: Từ năm 2018 – 2021, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh vào sản xuất, nông dân Hà Tĩnh tiết kiệm từ 80 – 110 tỷ đồng tiền mua phân bón.

Tại một số địa phương ở Nghệ An, nông dân đã mạnh dạn ủ, sản xuất phân bón vi sinh để sử dụng cho cây trồng, thay vì sử dụng phân bón vô cơ. Ngay tại huyện Tân Kỳ, mỗi năm nông dân sản xuất ra khoảng 3.000 tấn phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng; khoảng 80% hộ dân sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh.

Ở Anh Sơn, mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh cũng đã triển khai, nhân rộng ra được 10 xã, thị như: Tào Sơn, Khai Sơn, Cẩm Sơn… Bà con nơi đây đã tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bã cây ngô, mía, các loại phân gia súc, gia cầm… để chế biến thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất.

Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An nói: Việc vận động nông dân bám đồng sản xuất, ứng dụng các mô hình sản xuất cải tiến, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt nhằm giảm chi phí đầu vào đang được ngành quan tâm.

Theo các chuyên gia phân tích, thị trường phân bón Việt Nam là thị trường mở, đa số nguyên liệu để sản xuất phân bón NPK là phải nhập từ nước ngoài. Bên cạnh đó, giá phân bón được dự báo tăng do giá xăng dầu tăng; nguồn cung nguyên liệu hạn chế vì những nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc hạn chế nguồn xuất, do giá logictis tăng… Thời gian qua, giá nguyên liệu thế giới tăng lên nên giá phân bón trong nước cũng tăng. Đó là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường mà chúng ta phải chấp nhận.

Với những phân tích kể trên, thì để kìm hãm sự tăng giá xăng dầu là khó và khó làm ngay, dường như đang “ở ngoài tầm” cơ quan quản lý…. Thế nên, những giải pháp thích ứng với sản xuất như, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh thay thế là rất khả thi, khả quan để đảm bảo môi sinh môi trường, trong khi sản lượng vụ đầu có thể giảm nhưng những vụ sau sẽ ổn định.

Nguyễn Thanh (Dân tộc và Phát triển)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO