1. Tổng quan
1. Cây chuối
Hầu như tất cả các loại chuối hiện nay đến từ hai loài hoang dã Musa acuminata and Musa balbisiana, thuộc chi musa.
Người ta cho rằng chuối có nguồn gốc từ New Guinea vì sự đa dạng chuối thuần hóa ở thung lũng Kuk (New Guinea) khoảng 8.000 trước công nguyên (TCN) là khu vực được coi là nơi con người đầu tiên thuần hóa chuối. Sau đó đã lan sang Philippines và khắp các vùng nhiệt đới.1 Có khả năng chuối đến Ấn Độ, Indonesia, Australia và Malaysia trong hai thiên niên kỷ đầu tiên sau khi thuần hóa. Chuối đã chắc chắn đến lục địa châu Phi giữa 500 TCN. Có lẽ đáng ngạc nhiên nhất, chuối có thể đến ở Nam Mỹ trước người châu Âu (khoảng 200 TCN) do các thủy thủ có nguồn gốc Đông Nam Á. Vào thế kỷ thứ 3, chuối đã được trồng trên các đồn điền ở Trung Quốc.1
Chuối được trồng tại Ấn Độ Dương theo làn sóng của đạo Hồi. Ở thế kỷ 11 TCN, các thương gia Hồi giáo mang chuối cùng tuyến đường thương mại đến những nơi khác nhau ở Nam Á và Trung Đông. Đến năm 1200, chuối đã lan tỏa vào Bắc Phi và bao gồm phần lớn diện tích của Tây Ban Nhà và Bồ Đào Nha ngày nay.1
Vào năm 1200, những đạo sỹ Nhật Bản đã thu hoạch giống chuối riêng biệt của mình để tạo ra sợi may dệt quần áo. Đến thế kỷ 15 và 16, các thủy thủ người Bồ Đào Nha đã được thành lập đồn điền trồng chuối khắp Brazil, nơi mà nó có thể lan khắp châu Mỹ La tinh và vùng Caribê.1
Khó có một loại cây trồng nào mà tất cả các bộ phận của cây lại được sử dụng như cây chuối. Ngoài quả là sản phẩm chính thì lá khô hay tươi để gói thực phẩm. Thân giả có thể dùng tạo thành sợi để sản xuất sợi (Nhật Bản, Nepan), thực phẩm (một loại rau sống), thức ăn gia súc.
Thân ngầm (thân chính) dùng làm thức ăn cho người và gia súc, … Hoa đực dùng làm thực phẩm,…
Thành phần dinh dưỡng trong 118,0g chuối có 1.29g đạm; 0.39g chất béo tổng số; 26.95g carbonhydrat; 14,43g đường tổng số; 0.43g vitamin B6; 0,32g Mangan; 10.27g vitaminC; 3.07g chất xơ; 422.44g khoáng chất; 0.09g đồng,…
Phần lớn chuối được trồng hiện nay là dành cho tiêu thụ bởi những người nông dân hoặc cộng đồng địa phương, chỉ có 15% sản lượng toàn cầu của cây trồng để xuất khẩu. Ấn Độ là nhà sản xuất hàng đầu của chuối trên toàn thế giới, chiếm 23% tổng sản lượng chuối. Chuối có tầm quan trọng kinh tế đáng kể ở những nơi khác, chẳng hạn như vùng biển Caribbean thuộc Pháp và Trung Mỹ. Trên lãnh thổ Caribbean thuộc Pháp (Guadeloupe và Martinique), thâm canh chuối là biểu tượng cho một ngành công nghiệp khổng lồ, nơi có khoảng 260.000 buồng chuối được sản xuất mỗi năm. Chuối ở Ecuador, Costa Rica, Philippine và Colombia chiếm hai phần ba trong số các loại cây trồng xuất khẩu.
Phân bổ các vùng trồng chuối trên thế giới.
Việt Nam sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn chuối/ năm và diện tích canh tác chuối chiếm khoảng 19% tổng diện tích cây ăn quả. Diện tích trồng chuối không tập trung mà phân tán rải rác ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là một yếu điểm cho xuất khẩu (biến sản phẩm nông nghiệp này thành một loại nông sản hàng hóa có ý nghĩa).
Trên thế giới, người ta không phân biệt cách gọi tên của Chuối và một loại “Chuối” khác (ở Việt Nam còn gọi là chuối Mễ, chuối táo quạ hay chuối tá quạ – Tiếng Anh là Plantain). Plantain là một loại chuối, vỏ cứng, không bóc được, phải gọt. Được dùng để nấu hoặc rán. Đây là nguyên liệu (tinh bột) thường hay được sử dụng trong thực đơn của nhiều nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Được xếp hạng như là lương thực quan trọng nhất thứ mười trên thế giới.5
2. Đặc tính thực vật
Rễ: Chuối không có rễ cọc. Rễ chính hình thành từ thân ngầm. Từ đó hình thành rễ nhánh (rễ cấp hai) và rễ hút (rễ cấp ba). Xem các hình dưới. Thân ngầm, rễ nhánh và các lông hút tạo thành một khối đan xen với nhau như một tấm thảm.2 Các rễ chính thường nhóm lại thành chùm 2 – 4 rễ.3 Rễ chính có đường kính khoảng 5 – 8 mm, màu trắng khi mới hình thành. Sau đó chuyển màu xám hoặc nâu trước khi chết. Một thân ngầm khỏe mạnh có thể tạo ra 200 – 500 rễ chính và có thể tăng đến 1000 nếu tính cả những rễ có nguồn gốc từ thân ngầm của chồi bên.3
Robinson (1987) xác định rằng thời gian hoạt động của rễ chính là 4 – 6 tuần, rễ nhánh cấp 2 – 8 tuần và 5 tuần cho rễ cấp 3. Lông hút tồn tại khoảng 3 tuần trước khi thối rữa. Khi trổ hoa thì quá trình hình thành rễ chính từ thân ngầm giảm nhường chỗ cho rễ chính ở chồi. Tuy nhiên, một số rễ từ thân rễ mẹ vẫn còn hoạt động.3
Phân bố về chiều ngang và chiều dọc của rễ phụ thuộc bởi loại đất, độ nén và khả năng thoát nước của đất. Rễ chính có thể lan rộng theo chiều ngang tới 5m mặc dù thường là 1 – 2m. Khối lượng rễ trong vùng 30cm so với mặt đất chiếm đến 85% tổng số rễ. Nhưng rễ chính có thể phát triển đến độ sâu 600cm hoặc hơn.3,4
Thân: gồm thân ngầm, thân giả.
Cấu tạo thân ngầm (củ chuối). |
Thân ngầm (củ chuối). Đây thực sự là gốc cây chuối, hoàn toàn nằm dưới mặt đất hoặc có thể lộ thiên một phần. Thân ngầm được đặc trưng bởi sự tăng trưởng ngang. Trưởng thành có bề ngang và chiều cao khoảng 30cm cho dù hình thành từ cây mẹ hay các chồi bên. Trên cùng của thân ngầm là đỉnh sinh trưởng, từ đó lá được hình thành liên tiếp tạo thành từ những lóng ngắn xoắn ốc và hình thành nên thân giả. Các chồi lá thường đối ngược với nhau 180O trên lớp vỏ thân ngầm.
Trong hình: 1 – Lớp trung tâm (thân thực sự – củ chuối); 2 – Lớp vỏ thân ngầm; 3 – Đỉnh sinh trưởng; 4 – Các bẹ lá hình thành nên thân giả; 5 – Đỉnh sinh trưởng, lớp trung tâm và lớp vỏ của chồi bên ngang hàng với cây mẹ.
Có hai loại chồi bên. Một loại lá nhỏ (chồi đuôi chiên) thường hình thành từ thân ngầm cây mẹ. Loại chồi này có sức sinh trưởng mạnh. Còn một loại chồi lá rộng hình thành từ chồi mầm ở gần mặt đất hoặc thân rễ già cho nên sức sinh trưởng kém hơn.
Thân giả mặc dù trông giống như một thân cây nhưng lại được hình thành từ các bẹ lá xếp xoắn ốc. Thân giả phát triển độ cao theo sự hình thành các lá liên tiếp và đạt độ cao tối đa khi hình thành cuống hoa (cuống buồng chuối).
Mặc dù chứa nhiều nước nhưng thân giả có thể đỡ một buồng chuối nặng tới 50kg và thường tàn lụi sau khi thu hoạch.
Lá: Lá chuối hình thành từ đỉnh sinh trưởng ở thân ngầm. Khi mới nhô khỏi bẹ lá có hình trụ như một điếu xì gà, được cuộn chặt, màu trắng và đặc biệt mong manh. Phần kéo dài ở đỉnh (mũi tên trong hình dưới) thường mất đi trước khi lá xòe ra trông như loa kèn. Từ đỉnh mút của bẹ lá hình thành cuống lá. Nó chỉ xuất hiện khi lá vươn khỏi bẹ (xem hình). Chiều dài khoảng 30 – 90cm tùy theo giống.3
Trong điều kiện thuận lợi khoảng 7 ngày có thể xuất hiện một lá. Nhưng có thể kéo dài đến 15 – 20 ngày nếu bất lợi. Ở vùng nhiệt đới, những lá trên cây còn nhỏ có thể sống trong khoảng 50 ngày, nhưng lá lớn hình thành trước khi hoa xuất hiện có thể sống đến 150 ngày. Trong vùng cận nhiệt đới mát mẻ, lá mọc sau có thể sống đến 280 ngày. Số lượng lá chức năng và tổng diện tích lá trên mỗi cây tăng dần theo thời gian cho đến khi ra hoa. Thông thường có 10 – 15 lá chức năng tại thời điểm hoa xuất hiện với tổng diện tích lá khoảng 25m2.3
Mỗi một lá trưởng thành bao gồm cuống lá, gân và phiến lá. Cuống lá chia phiến lá thành hai phần. Từ cuống lá của mỗi bên có những hàng gân song song chạy ra mép lá. Các gân này không có nhánh phân chia nên lá rất bị rách khi gió mạnh. Đây là một hiện tượng bình thường nhưng sẽ ảnh hưởng đến năng suất nếu ngang của vết rách dưới 50 mm (Eckstein và cộng sự, 1996). Khí khổng xuất hiện cả hai bề mặt nhưng mật độ mặt dưới phiến lá (khoảng 140/ mm2) thấp hơn ba lần so với mặt trên.3
Hoa: gồm hoa cái, hoa lưỡng tính, hoa đực.
Hoa chuối là một cấu trúc phức tạp bao gồm hoa cái (sau hình thành quả), hoa lưỡng tính (rụng đi sau khi hoa cái phát triển hoàn toàn), hoa đực (dân gian gọi là hoa chuối) cũng không hình thành quả. Hoa chuối phát triển từ thân ngầm và xuất hiện khi lá cuối cùng hình thành.
Tại một giai đoạn quan trọng nhất định của sự phát triển của cây chuối, đỉnh sinh trưởng ngừng tạo ra lá mà bắt đầu hình thành một cụm hoa. Nó dường như không liên quan đến nhiệt độ hay chu kỳ sáng. Bởi vì hoa có thể hình thành bất kỳ tháng nào trong năm ở vùng cận nhiệt đới, ở đó có nhiệt độ và chu kỳ ánh sáng biến động rất lớn.
Các hoa cái xuất hiện đầu tiên. Trong chuối trồng, noãn phát triển thành quả mà không cần thụ phấn. Các cụm hoa cái thường xếp thành hai hàng và hình thành nên nải chuối. Mỗi hoa cái hình thành một quả. Số nải phụ thuộc vào số lượng các cụm hoa cái. Chúng thay đổi tùy vào kiểu gen và điều kiện môi trường.
Hoa lưỡng tính có thể có mặt trên buồng chuối giữa những bông hoa cái và hoa đực. Nhị của loại hoa này không tạo phấn hoa và thường rụng đi khi quả phát triển.
Phần kéo dài cuối cùng của “cuống hoa” là hoa đực với những lá bắc bao chặt bên ngoài. Nó tồn tại cho đến khi thu hoạch nếu không có tác động của con người. Sự hiện diện hay vắng mặt là một trong những đặc điểm dùng để phân biệt giống.
Quả: Quả hình thành từ những hoa cái, xếp thành hai hàng gắn với cuống. Số lượng hoa cái trên mô phân sinh quyết định sô lượng nải và số quả trên nải.
Có sự gia tăng nhanh chóng chiều dài quả xảy ra trong vòng 30 ngày đầu. Sau đó chậm lại và được hoàn thành trong vòng 40 – 80 ngày sau khi hoa xuất hiện tùy thuộc vào từng khu vực và khí hậu. Ngược lại với chiều dài, đường kính quả tăng chậm nhưng liên tục cho đến khi thu hoạch. Trong giai đoạn tăng chiều dài quả, tốc độ tăng trưởng trung bình là 4 mm/ ngày.4
Trong tháng đầu tiên sau khi hoa xuất hiện, vỏ chiếm 80% trọng lượng tươi của quả. Sau đó, phần thịt quả tăng nhanh. Quả có ba giai đoạn chính tăng trưởng: phân chia tế bào nhanh chóng xảy ra từ 6 tuần trước khi xuất hiện hoa đến 4 tuần sau khi xuất hiện quả. Sau khi quả xuất hiện thì quá trình mở rộng tế bào nhanh chóng xảy ra từ 4 – 12 tuần và quả chín từ 12 – 15 tuần (Ram và cộng sự, 1962).
Thông thường, trên một buồng quả ở xa cuống có kích thước nhỏ hơn 30 – 40% so với những quả ở trên. Trên một nải, quả ở hàng dưới có kích thước lớn hơn so với quả hàng trên 15%.4
3. Kỹ thuật canh tác
Chọn đất, chuẩn bị đất:
Hầu hết các loại đất đều trồng được chuối. Ngoại trừ đất cát và sét nặng. pH khoảng 6 – 7. Chọn vùng đất thoát nước tốt. Những vùng đất hơi trũng hoặc có mạch nước ngầm cao có thể lên luống cao 30 – 50cm. Tránh trồng ở những vùng có gió mạnh.
Cày bữa kỹ. Dọn sạch cỏ dại. Bón lót theo hốc: khoảng 10 – 15kg/ hốc phân hữu cơ hoai mục, phân lân supe 0,3 – 0,5 kg, vôi bột 0,3 – 0,5 kg.
Giống, mật độ:
Giống chuối có thể thu thập từ chồi (đuôi chiên và chồi lá rộng), củ và nuôi cấy mô. Tùy theo số lượng cây trồng mới hay trồng bổ sung mà chọn kiểu cây giống. Nên sử dụng chồi đuôi chiên 70cm – 1,2 m, thân thẳng, sạch sâu bệnh và đã được xử lý. Trong trường hợp thiếu giống thì có thể sử dụng chồi lá rộng.
Tùy theo diện tích, vốn, nguồn nhân công và giống mà trồng với mật độ khoảng 1.300 – 1.500 cây/ ha, cao 2.300 – 2.500 cây/ ha hoặc rất cao 3.300 cây/ ha.
Chăm sóc:
Thông thường, người ta chia ra bón với khoảng cách 2 – 3 tháng/lần tùy theo điều kiện. Trong đó phân đạm cần bón sớm hơn, phân kali bón muộn và tập trung hầu hết vào thời kỳ trước và sau khi trỗ hoa để đảm bảo đạt năng suất và chất lượng cao. Bón thúc lần 1 sau khi trồng 1 – 1,5 tháng, kết hợp với làm cỏ, xới xáo quanh gốc. Bón 0,5 kg đạm urê và 0,3 kg kali, cách gốc 30 – 40 cm; Bón thúc lần 2 sau lần 1 từ 1,5 – 2 tháng. Bón 0,2 kg đạm urê và 0,3 kg kali, cách gốc 1m; Bón thúc lần 3 với lượng đạm và kali còn lại khi cây trổ buồng, bón cách gốc 1,5 – 2 m. Tiến hành bón khi đất có độ ẩm 70 – 80%.
Tưới nước giữ ẩm thường xuyên.
Loại bỏ bớt chồi bằng cách cắt thẳng đứng, tách chồi khỏi hẳn gốc cây mẹ. Thông thường chỉ để 2 – 3 chồi cho vụ sau. Cắt bỏ những lá già, những lá chỉ còn dưới 50% diện tích và lá bị bệnh. Ngắt bỏ hoa đực. Các dụng cụ tỉa chồi, cắt lá và cắt hoa đực cần được xử lý trước khi sử dụng.
Tiến hành bao buồng bằng túi nilon có đục lỗ nhỏ nhằm rút ngắn thời gian thu hoạch (nhất là trong điều kiện lạnh), tránh dịch hại. Buồng chuối cần được bao sớm ngay sau khi quả bắt đầu cong lên.
Thu hoạch
Tùy theo mục đích thương mại mà thực hiện thu hoạch vào các thời điểm khác nhau. Nếu cần vận chuyển xa hay xuất khẩu thì thời điểm thu hoạch là khi quả mới chín 70 – 75% (quả vẫn còn góc cạnh). Nếu sử dụng cho tiêu thụ tại địa phương thì thời gian thu muộn hơn. Đối với chuối dùng để xuất khẩu người ta bỏ hai, ba nải ở cuối buồng (ngay liền với hoa đực) để bảo đảm độ đồng đều của sản phẩm.
Tùy mùa vụ, khoảng thời gian từ trỗ buồng đến thu hoạch dao động trong khoảng 3 – 4 tháng.
Trong quá trình chín, chuối sản xuất khí ethylene (có vai trò như một hormone thực vật thúc đẩy quá trình chín và gián tiếp ảnh hưởng đến hương vị). Do vậy, các chất hấp thụ được ethylene sẽ kéo dài thời gian lưu trữ của chuối ngay cả ở nhiệt độ cao. Hiệu ứng này có thể được khai thác bởi đóng gói chuối trong túi polyethylene cùng với kali permanganat. Bằng cách này ethylene bị loại bỏ bởi quá trình oxy hóa, các permanganat trì hoãn quá trình chín và kéo dài quá trình này lên đến 3 – 4 tuần mà không cần làm lạnh. Ngoài ra, cacbon điôxít (CO2) – chất mà bản thân quả chuối cũng sinh ra – là một tác nhân làm chậm quá trình chín. Ngày nay người ta sử dụng “băng khô” (cacbon điôxít rắn) trong quá trình vận chuyển thay cho những thiệt bị cồng kềnh.
4. Dịch hại chính
Những dịch hại chính trên chuối bao gồm: Sâu đục thân chuối hay còn gọi là sâu vòi voi (Cosmopolites sordidus).
Bệnh Đen Sigatoka (còn gọi là vết đen lá) do nấm Mycosphaerella tên là Fijiensis (Morelet) gây ra.
Bệnh chùn đọt chuối hay bệnh chuối đực khá phổ biến trên chuối già. Bệnh gây ra bởi Bunchy Top Virus. Bệnh được truyền thông qua một loài rệp có tên là Pentalonia nigronervosa.
Bệnh héo rũ Panama còn gọi là “chuối sùng” do nấm Fusarium oxysporium.
Bệnh héo xanh Ralstonia (Pseudomonas) solanacearum (Race 2)
Theo Chi cục BVTV Lâm đồng, hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh xuất hiện một loại côn trùng với mật độ trung bình 10 – 30 con/ cây. Đối tượng này được Viện BVTV xác định là Basilepta Subcostatum Jacoby thuộc họ Chrysomelidae (họ ánh kim), bộ Coleoptera (bộ cánh cứng).