1. Tổng quan
Có lẽ ít người biết rằng xoài (Mangifera indica L.), thuộc họ Xoài hay họ Đào lộn hột (Anacardiaceae) là họ của một số loài cây tiết ra chất urushiol có thể gây dị ứng cho một số người (cây Sơn ta để làm tranh sơn mài cũng thuộc Họ này).
Người ta cho rằng xoài có nguồn gốc từ miền nam châu Á (phía đông Ấn Độ, Miến Điện và quần đảo Andaman). Từ thời cổ đại, xoài đã được trồng, tôn thờ và thậm chí tôn kính. Chính vì thế mà một số quốc gia như Ấn Độ, Pakistan và Philippines xoài được coi là Quốc Quả (national fruit ). Còn ở Bangladesh, nó được coi là Quốc Cây (national tree).
Trong một số nền văn hóa, quả và lá của nó được sử dụng như là nghi lễ trang trí tại các đám cưới, lễ kỷ niệm và nghi lễ tôn giáo.
Các tu sĩ Phật giáo được cho là đã đưa xoài đến Malaya và Đông Á trong thế kỷ thứ 4 và thứ 5 trước Công nguyên trên con đường truyền giáo của mình. Người Ba Tư mang các giống xoài đến Đông Phi vào khoảng thế kỷ thứ 10.
Nó được trồng ở các nước vùng Caribe trước chuyến thám hiểm đầu tiên của người Bồ Đào Nha. Chính những người Bồ Đào Nha đã quảng bá nó ở Tây Phi vào đầu thế kỷ 16 và sau đó ở Brazil. Xoài được trồng lần đầu tiên tại Barbados khoảng 1742 và sau đó là tại Cộng hòa Dominica. Nó được truyền bá đến Jamaica khoảng 1782 và vào đầu thế kỷ 19 đến Mexico từ Philippines và Tây Ấn.1
Cây xoài bây giờ được trồng ở hầu hết các vùng khí hậu cận nhiệt đới, nhiệt đới và vùng ôn đới ấm, ẩm ở Málaga (Tây Ban Nha) – khí hậu cận nhiệt đới ven biển của nó là một số ít nơi trên lục địa châu Âu cho phép sự phát triển của cây ăn quả này.
Trong năm 2013, các nước sản xuất xoài (dữ liệu bao gồm măng cụt và ổi) là gần 43 triệu tấn.1 Trong đó, Ấn Độ 18.0 triệu tấn (chiếm 42%); Trung Quốc 4.45; Thái Lan 3.14; Indonesia 2.06; Mexico 1.90; Philippines 1.10. Mặc dù Ấn Độ là quốc gia có diện tích và sản lượng lớn nhất thế giới nhưng Ấn Độ tiêu thụ hầu hết sản lượng sản xuất ra và lượng xuất khẩu chỉ bằng khoảng 1% giao dịch quốc tế.
Xoài tươi có sẵn quanh năm trong các cửa hàng ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản (Litz 2009). Theo Evans và Mendoza (2009), phần lớn xoài nhập khẩu của Bắc Mỹ đến từ Mexico, Brazil, Peru, Ecuador và Haiti. Ấn Độ và Pakistan là những nhà cung cấp chính của Tây Á. Nguồn cung cấp chủ yếu của Đông Nam Á là Philippines và Thái Lan. Châu Âu nhập khẩu xoài chủ yếu từ Nam Mỹ và châu Á.
Xoài được tiêu thụ chủ yếu ở các nước sản xuất. Tuy nhiên, nhập khẩu xoài tại các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ từ 1996 đến 2005 đã tăng hơn gấp đôi, trong đó một phần ba sản lượng được nhập vào Mỹ. Nhu cầu cũng tăng đều ở các khu vực khác, chẳng hạn như khu vực Trung Đông và Nhật Bản.
Xoài chín được ăn tươi, đóng hộp, làm nước trái cây, mứt kẹo, kem, sấy khô để tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu.
Nhân của hạt là một sản phẩm phụ chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến xoài. Trong những thời điểm khan hiếm lương thực, ở Ấn Độ nhân của hạt sau khi ngâm để giảm lượng tanin có thể sử dụng như một loại lương thực hoặc được làm thức ăn cho gia cầm và gia súc.
Lá xoài non ăn được sau khi nấu chín ở Indonesia và Philippines.
Tại Ấn Độ, gỗ sau khi xử lý được sử dụng cho làm kèo, khung cửa sổ, dụng cụ nông nghiệp, tàu thuyền, ván ép, gót giày và bao bì. Nó nguồn nguyên liệu tạo than hoa khá tốt.
Vỏ cây sở hữu 16% đến 20% tanin được sử dụng cho thuộc da. Hoa xoài khô chứa 15% tanin dùng chữa trị các bệnh tiêu chảy, kiết lỵ mãn tính, niệu đạo mãn tính do bệnh lậu. Vỏ cây chứa mangiferine là hoạt chất có hoạt tính chống virus, đặc biệt là chống các dạng Herpes (gây ra các bệnh lở miệng hoặc hăm lở tại vùng háng và bộ phận sinh dục), nước ăn chân; Varicella zoster (gây ra các bệnh thủy đậu, dời leo, rôm sảy), Sitomegalo virus và là chất có tác dụng chữa trị bệnh thấp khớp và bạch hầu ở Ấn Độ. Nhựa từ thân cây được áp dụng trên các vết nứt trên da bàn chân và ghẻ và được cho là hữu ích trong điều trị bệnh giang mai.
Các dịch chiết xuất từ trái cây chưa chín và vỏ cây, thân và lá có hoạt tính kháng sinh. Trong một số đảo ở Caribe, người ta sắc lá để chữa bệnh tiêu chảy, sốt, đái tháo đường, huyết áp cao và các bệnh khác. Một dịch sắc kết hợp giữa quả và lá được thực hiện cho các sản phụ sau khi sinh con.
Thành phần dinh dưỡng trong 100g xoài: Năng lượng 60kcal; Carbonhydrat 15g; Đường 13.7g; Chất xơ 1.6g; Chất béo 0.38g; Đạm 0.82g; beta-carotene 54µg; Thiamine (B1) 0.028mg; Riboflavin (B2) 0.038mg; Niacin (B3) 0.669; Pantothenic acid (B5) 0.197mg; Vitamin B6 0.119mg; Folate (B9) 43µg; Choline 7.6mg; Vitamin C 36.4mg; Vitamin E 0.9mg; Vitamin K 4.2µg; Calcium 11mg; Sắt 0.16mg; Magie 10mg; Mangan 0.063mg; Phospho 14mg; Potassium 168mg; Sodium 1mg; Kẽm 0.09mg.2 (Nguồn: USDA Nutrient Database)
Cây xoài thích nghi với vùng đất có vĩ độ 25°N và 25°S và có thể đến 35° – 37°N (miền nam Tây Ban Nha). Nó có thể mọc ở độ cao 900m so với mực nước biển hoặc hơn (1.200m). Tuy nhiên, sinh trưởng và phát triển tốt ở độ cao 300 – 4000m.
Xoài là cây lâu năm (có thể 200 – 300 năm tuổi vẫn cho quả), lá xanh quanh năm. Cây xoài dưới 10 tuổi thường xuyên đâu quả nhưng sau đó có hiện tượng cách năm. Cây thích hợp với nhiệt độ cao vùng nhiệt đới (19 – 35ºC) nhưng ở vùng cận nhiệt đới có thể chịu đựng được nhiệt độ -5ºC.3 Lượng mưa không phải là quan trọng nhưng tốt nhất nếu lượng mưa từ 75 – 250cm trong những tháng mùa hè và những tháng tiếp theo là mùa khô.
Cây xoài không cần một loại đất đặc biệt miễn là có hệ thống thoát nước tốt. Nó sinh trưởng và phát triển tốt trên đất pha cát, đất sỏi, đá vôi và thậm chí đất có đá trầm tích. pH 5.5 – 7.5 phù hợp nhất. Đất có tầng sét pha dày chắc chắn tạo điều kiện cho sự phát triển, nhưng nếu đất quá giàu mùn thì lại có tác dụng ngược lại.
Năng suất thay đổi theo giống và độ tuổi của cây. Những cây xoài có độ tuổi từ 10 đến 20 năm, một vụ mùa tốt có thể thu 200 đến 300 quả mỗi cây. Đối với những cây có độ tuổi gấp đôi thì năng suất sẽ được tăng gấp đôi. Số lượng quả trên một cây xoài cổ thụ tại Java (Indonesia) có đến 1.000 đến 1.500 trái cây trong một mùa. Một số giống ở Ấn Độ có 800 đến 3.000 quả/năm và nếu được chăm sóc tốt thì có thể đạt 5.000 quả. Một trong những cây xoài lâu đời nhất (> 100 năm) của giống xoài nổi tiếng “Pane Ka AAM” ở Maharashtra và Khamgaon (Ấn Độ) có thể đạt bình quân hàng năm là 6.500 quả/cây và kỷ lục cao nhất là 29.000 quả/cây.1
2. Đặc tính thực vật:
Thân
Cây thân gỗ, chiều cao có thể 40 – 50m, nhưng thông thường khoảng 10 – 15m, có tán lớn và thời gian sống lâu. Nếu được trồng ở những nơi có nhiều ánh sáng thì chiều cao cây và đường kính tán cây có kích thước tương đương. Ở vùng đất cao hay đồi núi, rễ có thể mọc sâu đến 7 – 9m còn ở vùng đất thấp rễ mọc đến mực nước ngầm.
Lá
Lá đơn, có hình mũi mác, mọc so le, có mùi thơm nhẹ. Cuống lá dài phình to ở gốc. Mặt trên có màu nhạt và ít gồ ghề hơn so với mặt dưới.
Khi còn non lá thường có màu tía hoặc vàng nhạt nhưng sau đó chuyển sang màu xanh nhạt rồi xanh đậm khi già.
Hoa
Hoa mọc dạng chùy dài 10 – 40cm. Trên mỗi chùm hoa có hàng trăm, thậm chí 3.000 đến 4.000 bông hoa nhỏ, màu vàng hoặc đỏ,
Hoa nhỏ có mùi thơm nhẹ. Hoa có 5 lá đài nhỏ, có lông ở mặt ngoài, 5 cánh hoa có tuyến mật, 5 nhị nhưng chỉ có 1 – 2 nhị sinh sản (có mang hạt phấn). Bầu trên, thường chỉ có một lá noãn chứa 1 noãn.
Mỗi chùm thường có 2 loại hoa: hoa lưỡng tính và hoa đực. Tỉ lệ hoa đực và hoa lưỡng tính trên cây phụ thuộc vào giống và điều kiện khí hậu ở địa điểm trồng. Thông thường hoa đực chiếm 2/3 tổng số hoa, hoa lưỡng tính khoảng 1/3. Xoài là cây thụ phấn chéo, thụ phấn nhờ côn trùng là chủ yếu. Thời gian tiếp nhận hạt phấn của nhụy rất ngắn và có sự lệch pha giữa thời gian nhận phấn của hoa lưỡng tính và tung phấn của hoa đực. Hoa lưỡng tính nhận phấn từ 6 giờ 30 đến 9 giờ trong khi hoa đực tung phấn từ 8 giờ 45 đến 11 giờ. Đây có lẽ là nguyên nhân gây ra sự đậu trái thấp.4
Thời kỳ nở hoa chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi thời tiết. Mưa ít, ẩm độ thấp, khô ráo kích thích ra hoa và tỷ lệ thụ phấn cao.
Quả
Quả xoài thuộc dạng quả hạch, khi chín thịt quả màu vàng, vị chua – ngọt, có mùi thơm. Phải mất 3 – 6 tháng kể từ khi hình thành đến chín. Các trái cây chín khác nhau về kích thước và màu sắc (tùy theo giống).
Trong phần thịt quả có chứa một hạt giống không dễ tách rời khỏi phần thịt quả bởi lớp sợi trên bề mặt. Bên trong hạt chứa chứa một hoặc nhiều phôi (phụ thuộc vào giống hoặc loại).
3. Kỹ thuật canh tác:
Chọn đất, chuẩn bị đất
Xoài có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, phải có tầng đất dầy ít nhất 1,5 – 2m, có mạch nước ngầm không nông quá 2,5m. Xoài thích hợp đất có pH từ 5,5 – 7, pH nhỏ hơn 5 cây sẽ kém phát triển. Ở vùng đất thấp trước khi trồng cần phải lên líp sao cho mực nước tại thời điểm cao nhất cách gốc ít nhất 1m.
Cần đào hố vuông, rộng 70 – 80 cm, sâu 50 – 70 cm. Trước khi trồng 1 tháng cần bón phân lót cho 1 hố: 20 – 30kg phân chuồng mục + 1 – 2kg super lân + 0,1kg Kali + 0,3 – 0,5kg vôi bột. Trộn đều phân với đất, lấp bằng miệng hố.
Hoặc có thể thiết lập mô. Mô trồng xoài có chiều cao trung bình 40 – 60 cm, chiều rộng đáy mô từ 60 – 80 cm và chiều rộng mặt mô từ 40 – 60 cm. Đất đắp mô tốt nhất là lớp đất mặt hoặc đất phù sa đã để khô ít nhất một tháng. Bón lót cho mỗi mô với lượng phân như trồng theo hốc. Hàng năm nên bồi mô rộng ra để giúp cho rễ cây xoài phát triển.
Mật độ
Xoài là cây ưa sáng và có quả ở chồi tận cùng ngoài tán cây. Nếu trồng quá dày, cây sẽ che rợp lẫn nhau dẫn đến năng suất thấp nhưng trồng quá thưa những năm đầu vườn xoài sẽ có sản lượng thấp. Do đó mật độ có thể trồng thưa, dày khác nhau tùy điều kiện đất đai, khả năng thâm canh, kỹ thuật cắt tỉa cành, duy trì độ lớn khung tán, xử lý ra hoa,…
Người ta thường trồng với khoảng cách từ 6 – 8 m, tương đương mật độ 156 – 277 cây/ ha. Tuy nhiên, cũng có thể trồng với khoảng cách (5 x 6)m hoặc (6 x 6)m, tương đương 277 – 333 cây/ ha sau đó đốn tỉa dần.
Lưu ý chọn cơ sở tạo giống có uy tín để bảo đảm tỷ lệ cây sống cao và sạch nguồn dịch hại.
Cách trồng
Đào một hốc nhỏ ở chính giữa hố (mô), đặt bầu cây vào giữa hố, lấp đất vừa bằng cổ rễ, nén chặt xung quanh. Cắm cọc để tránh lay gốc. Tủ gốc bằng rơm, rác mục và tưới nước giữ ẩm cho cây liên tục trong tháng đầu. Sau trồng 1 tháng khi cây ổn định, loại bỏ bao nilon ở vết ghép.
Khi cây phát triển được 3 cơi lá thì nên bấm bỏ đọt. Khi cây ra chồi thứ cấp, chọn 3 chồi phát triển mạnh nằm theo hình tam giác đều, bấm đọt như trên, để cho đến khi chồi non của 3 chồi này mọc ra đủ 3 cơi lá nữa thì bấm ngọn tiếp. Cứ thế bấm đọt đến lần thứ 3 thì thôi, để cho cây phát triển tự nhiên.
Chăm sóc
Vì cây xoài ưa ẩm nên cần phải tưới nước sau trồng. Trời nắng hạn tưới 1 lần/ngày, đến khi cây hồi phục sinh trưởng. Sau đó tùy vào thời tiết và sinh trưởng để tưới.
Ở giai đoạn cây trưởng thành, nên cắt tỉa những cành mọc bên trong tán, cành quá gần mặt đất, cành sâu bệnh, cành không hiệu quả và cuống hoa.
Làm cỏ thường xuyên (nhất là giai đoạn cây con). Cỏ để khô rồi ủ vào gốc.
Tiến hành bón phân thúc NPK hai lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa. Có thể bón theo rãnh hoặc dùng phương pháp tưới. Lượng đạm bón trong những năm đầu thường cao hơn lân và kali để thúc cây phát triển. Đối với những cây đã cho thu hoạch thì lưu ý bón tăng thêm sau những vụ có năng suất cao.
Thụ phấn
Xoài là cây tự thụ phấn nhưng các loại côn trùng có trong tự nhiên (ruồi, ong bắp cày, ong hoang dã, bướm, ngài, bọ cánh cứng, kiến,…) góp phần tăng khả năng thụ phấn của nó. Lưu ý sử dụng thuốc trừ dịch hại trong thời gian này.
Thu hoạch
Khi quả già, vỏ quả căng mọng, có độ chín đặc trưng của giống thì thu hoạch. Thu hoạch phải đúng độ chín (quả sẽ chìm khi thả vào nước hoặc tỉ trọng bằng 1,02), nhằm đảm bảo chất lượng và bảo quản sau thu hoạch được lâu hơn. Lúc thu hoạch nên để cuống dài từ 5 – 10cm để tránh không bị chảy nhựa làm giảm phẩm cấp. Nên thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo. Quả thu hái về cần phân loại. Nếu vận chuyển đi xa thì đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp (phải có lót rơm hoặc giấy giữa các lớp quả).
Sau khi thu hoạch vệ sinh xung quanh tán cây, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc.
Rửa quả ngay sau khi thu hoạch là điều cần thiết. Người ta có thể ngâm nước nóng 51.67°C trong vòng 15’ hoặc 55.56°C trong 5’ để hạn chế bệnh thán thư sau thu hoạch.1
Nhằm mục đích tiêu thụ trong nước thì có thể xử lý ethylene để thúc đẩy quá trình chín trong 7 đến 10 ngày tùy thuộc vào mức độ của sự trưởng thành (trong khi quả chưa qua xử lý cần 10 đến 15 ngày).1
4. Dịch hại chính:
Một số bệnh hại chủ yếu trên xoài gồm: Bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides); Bệnh phấn trắng (Oidium mangiferae ); Bệnh thối trái, khô đọt (Diplodia natalensis); Bệnh muội đen (Capnodium sp.),…
Các sâu hại chính: Sâu đục thân, đục cành (Alcicodes s); Rầy bông xoài (Idioscopus spp.); Ruồi đục quả (Bactrocera dorsalis); Bọ trĩ (Scirtothrips dorsalis Hood); Rệp sáp (Pseudoccoccus sp); Nhện đỏ (Oligonichus sp.); Sâu đục quả (Noorda albizonalis),…
Nguồn: Nông dược Việt Nam