1. Tổng quan
Cây ăn quả có múi gồm Cam, Quýt, Bưởi, Chanh… là loại cây ăn quả cao cấp được nhiều người ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao trên thị trường.
1.1 Tình hình gieo trồng
Trên thế giới, sản lượng cây ăn quả có múi ước đạt 103,3 triệu tấn chiếm khoảng 20% tổng sản lượng cây ăn quả các loại (Trong đó cam chiếm 62%, Quýt chiếm 14,5% sản lượng).
Trên thế giới có 100 quốc gia trồng cây ăn quả có múi. Hai nước trồng cam, quýt lớn nhất thế giới là Brazin và Mỹ sau đó là Trung Quốc, Mexico và Tây Ban Nha. Ngoài ra phải kể đến các nước Trung Mỹ, Châu Phi đáng kể nhất là Nam Phi và các nước vùng Địa Trung Hải.
Tại Việt Nam cây ăn quả có múi đã được trồng lâu đời và phân bố rộng từ Bắc đến Nam. Diện tích trồng cây ăn quả có múi của nước ta khoảng 135 nghìn ha, sản lượng trên 1,35 triệu tấn. Cây ăn quả có múi ở nước ta được trồng khắp các vùng trong cả nước . Tuy nhiên loại cây này được trồng tập trung tại một số vùng như sau: Đồng bằng Sông Cửu Long 74 nghìn ha bằng 54% diện tích cả nước; các tỉnh phía Bắc 46,8 nghìn ha bằng 34,6% diện tích cả nước (được trồng nhiều ở vùng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ).
Các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long trồng nhiều cây ăn quả có múi là: Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Tiền Giang. Trong đó có các vùng chuyên canh như Cam Phong Điền (Cần Thơ); Bưởi Năm Roi, Bình Minh (Vĩnh Long); Cam sành Tam Bình (Vĩnh Long); Cam Cái Bè (Tiền Giang); Quýt Tiểu Lai Vung (Đồng Tháp); Bưởi Da Xanh (Bến Tre); Chanh Mỏ Cày (Bến Tre) và Phụng Hiệp (Cần Thơ).
Các tỉnh phía Bắc có các vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung như vùng Cam Sành Bắc Quang (Hà Giang) và Hàm Yên (Tuyên Quang); Cam Xã Đoài Phủ Quỳ (Nghệ An); Cam Canh, bưởi Diễn Từ Liêm (Hà Nội); Bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ); Bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh); Cam Cao Phong (Hòa Bình)…
Trong xu thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhiều vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi đang được hình thành tại Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội…
1.2 Kỹ thuật canh tác
Để cây ăn quả có múi phát triển tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao người trồng cần áp dụng Quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với từng loại cây ăn quả có múi do cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp tại địa phương ban hành. Đối với Quy trình chăm sóc cây có múi người trồng cần nắm vững kỹ thuật: Chọn và chuẩn bị đất trồng; Thiết kế vườn; Khoảng cách trồng; Trồng cây che mát; Thời vụ trồng; Chọn giống trồng thích hợp; Chuẩn bị hố trồng và cách trồng; Gốc ghép; Tủ gốc giữ ẩm; Tưới nước và tiêu nước; Vét bùn bồi líp (áp dụng cho vùng ĐBSCL); Bón phân; Xử lý ra hoa; Tỉa cành và tạo tán; Cách thu hoạch.
1.3 Dịch hại chính
Cây có múi cũng giống như nhiều loại cây trồng khác thường xuyên bị các dịch hại tấn công gây tổn thất về năng xuất và chất lượng sản phẩm. Những loài sâu, bệnh hại chính trên cây có múi bao gồm: (có ảnh và link)
Sâu hại: Gây hại đáng kể nhất trên cây ăn quả có múi hiện nay là nhện (Trên cây ăn quả có múi đã ghi nhận có 7 loài nhện gây hại, trong đó các loài nhện đỏ Panonychus citri Mc Gregor, nhện rám vàng Phyllocoptruta oleivora Ashmead và nhện trắng Polyphagotarsonemus latus Banks là các loài gây hại quan trọng nhất); Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella Stainton) được ghi nhận gây hại thường xuyên tại tất cả các vùng trồng cây ăn quả có múi trong cả nước. Ngoài ra các đối tượng gây hại cục bộ trên cây ăn quả có múi như: Rầy chổng cánh (Diaphorina citri Kuway); Rệp muội (Toxoptera aurantii Fonsc); Bọ trĩ (Scirtothrips dosalis Hood); nhóm rệp sáp (ghi nhận có trên 10 loài xuất hiện song tác hại của rệp sáp không đáng kể); Ngài chích hút trái (có ít nhất 15 loài ngài chích hút trong đó có 4 loài gây hại phổ biến gồm Eudocima salaminia, Othreis fullonia, Ophiusa coronate, Rhytia hypermnestra); Câu cấu xanh lớn (Hypomeces squamosus Fabricius).
Gần đây tại vùng trồng cây ăn quả có múi tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long xuất hiện loài sâu đục quả bưởi, đây là loài dịch hại mới gây lo ngại cho nông dân trồng bưởi tại vùng này.
Bệnh hại: Có rất nhiều bệnh hại hiện diện trên cây ăn quả có múi. Tuy nhiên một số bệnh được quan tâm gồm: Bệnh loét (Xanthomomas campestris pv. Citri; Bệnh ghẻ (Elsinoe fawcettii); Bệnh vàng lá Greening; Bệnh Tristeza; Bệnh thối gốc chảy nhựa (Phytophthora spp.); Bệnh lớp muội đen (Capnodium citri).
Nguồn: Nông dược Việt Nam