1. Tổng quan
1. Hoa hồng:
Hoa hồng (chi Rosa), thuộc Họ hoa hồng (Rosaceae). Hầu hết hoa hồng ngày nay bắt nguồn từ khoảng 100 loài cây bụi lâu năm, vài trong số đó được trồng phổ biến trên đồng ruộng, nhà kính, sân, vườn.
Hoa hồng có nguồn gốc từ các vùng ôn đới của Bắc bán cầu. Hầu hết từ châu Á và số lượng nhỏ có nguồn gốc từ châu Âu, Bắc Mỹ và Tây Bắc Phi.1,2
Về mặt lịch sử, những hóa thạch lâu đời nhất của hoa hồng đã được tìm thấy ở Colorado, có niên đại hơn 35 triệu năm trước. Người ta cũng phát hiện ra bức tranh hoa hồng trên các bức tường của ngôi mộ Thutmose IV (là Pharaoh thứ 8 của triều đại thứ 18 của Ai Cập chết trong thế kỷ 14 trước CN).4
Ở Trung Quốc, Khổng Tử (từ 551 năm trước Công nguyên đến 479 năm trước Công nguyên) đã cho biết rằng Hoàng triều Trung Quốc đã có nhiều cuốn sách viết về hoa hồng trong các thư viện. Có điều thú vị rằng những người làm vườn trồng hoa hồng thời nhà Hán (207 trước CN đến 220 sau CN) vì đam mê với hoa hồng mà công viên của họ là mối đe dọa đối với đất nông nghiệp. Các hoàng đế sau đó phải ban hành lệnh cày một số vườn hoa hồng.4
Trong nền văn minh cổ đại của Mesopotamia (là một nền văn minh cổ ở phía nam Lưỡng Hà, Iraq hiện nay. Hình thành vào thời kỳ đồ đá và thời kỳ đồ đồng sớm. Nằm trong thung lũng sông Tigris-Euphrates) đã có những chữ tượng hình miêu tả về hoa hồng.3,4
Trong cuốn sách của mình, nhà thám hiểm và là tác giả Captain John Smith đề cập về người da đỏ sống ở các thung lũng sông James đã trồng hoa hồng hoang dã như cây cảnh ở các làng của họ để làm đẹp. Trong khi khai quật các ngôi mộ ở Thượng Ai Cập vào năm 1888, nhà khảo cổ học Anh Sir Flinders Petrie đã phát hiện ra di tích của một vòng hoa hồng mà mọi người đã sử dụng như một vòng hoa tang lễ trong thế kỷ thứ hai.4
Hoa hồng không chỉ được nhắc trong văn học Kitô giáo mà trong các cuốn sách của Nho giáo và Phật giáo cổ xưa cũng thấy viết về chúng.
Người ta phân ra ba loại hoa hồng:
– Các loài hoang dã là những loài phát triển tự nhiên trong nhiều ngàn năm. Những hoa hồng này thường được trồng ở trong vườn và thường nở vào mùa xuân.
– Các loài hoa hồng cổ hay còn gọi là “hoa hồng kiểu cũ” và “hoa hồng gia truyền” là những loài được trồng trước năm 1867. Đây là những loài có hoa thơm, thời gian hoa nở kéo dài. Có thể hàng trăm loại, thời gian sống hàng trăm năm, có sức chịu đựng khác nhau, được trồng cho cả hai vùng khí hậu ấm áp và bán nhiệt đới.
– Hoa hồng lai hiện đại (hybrid rose) là loài cây cứng, lâu nở, cực kỳ khỏe mạnh và có khả năng kháng bệnh, có 4 màu cơ bản là hồng, vàng, đỏ, bạch và có hình dạng, kích thước, hương thơm khác nhau. Hiện nay đây là loại hoa hồng được trồng chủ yếu trong các nhà kính, trên đồng ruộng và được bán trong các cửa hàng. Từ năm 1837, các nhà lại tạo dựa trên các giống hoa hồng từ Trung Quốc đã bắt đầu tạo ra những giống hoa hồng lai (hybrid rose). Kết quả đến năm 1867 giống “La France” là giống lai đầu tiên được giới thiệu và người ta lấy năm đó làm mốc cho sự phát sinh hoa hồng lai. Kể 1867 mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực lai giống hoa hồng và người ta coi các giống đã tồn tại trước năm 1867 là hoa hồng vườn cũ (old garden roses) và các giống hoa hồng phát triển sau năm 1867 được gọi là hoa hồng lai.1,4
Hoa hồng được coi là một biểu tượng của tình yêu, sắc đẹp, thậm chí chính trị và chiến tranh (Chiến tranh Hoa Hồng là cuộc nội chiến tranh giành vương vị ở Anh giữa những người ủng hộ hai dòng họ Lancaster và York. Cuộc chiến diễn ra từ 1455 tới 1485. Sở dĩ cuộc chiến có tên gọi Chiến tranh Hoa Hồng là do huy hiệu của hai dòng họ trên đều có hình ảnh hoa hồng: hoa hồng trắng của nhà York và hoa hồng đỏ của nhà Lancaster).
Từ xa xưa, hoa hồng hoang dã đã được sử dụng trong việc sản xuất nước hoa hồng (Rosewater) là một loại nước có hương thơm (được làm ra bằng cách ngâm cánh hoa hồng trong nước), dầu thơm và nước hoa từ lâu trước khi chúng được thuần dưỡng, lai tạo và trồng trên diện tích lớn. Thời La Mã, một số hoàng đế đổ nước hoa hồng vào bể bơi và đài phun, ngồi trên thảm với những cánh hoa hồng trong những ngày lễ và các tiệc rượu truy hoan của mình. Nero, hoàng đế La Mã, là một ví dụ.1
Người ta chiết xuất cánh hoa hồng để tạo ra tinh dầu (Các thành phần chính của tinh dầu hoa hồng là rượu geraniol thơm, L-citronellol và long não, một mùi thuần nhất của hợp chất ankan tách từ dầu hoa hồng. β-Damascenone cũng là một đóng góp đáng kể cho mùi hương). Kỹ thuật sản xuất tinh dầu có nguồn gốc từ Ba Tư và sau đó lan qua Xê-út và Ấn Độ và gần đây hơn vào Đông Âu. Ở Bulgaria, Iran và Đức, giống “Trigintipetala” của hoa hồng damask (Rosa Damascena) được sử dụng chủ yếu để chế tạo tinh dầu. Dầu tinh khiết có màu vàng nhạt hoặc màu vàng xám màu. Trọng lượng tinh dầu khoảng 0.1 đến 0.6% trọng lượng của những bông hoa (cần khoảng hai ngàn hoa để tạo ra một gam tinh dầu).
Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Bulgaria có kế hoạch bằng các biện pháp đặc biệt để thúc đẩy sản xuất tinh dầu Bungary và các sản phẩm chế biến từ nó.
Nhiều loài, đặc biệt là hoa hồng rugosa (R. rugosa) có quả giàu vitamin C. Đôi khi được đóng hộp, làm mứt, thạch hoặc đem ướp chè. Kem Rose có sô cô la bao phủ kẹo mềm (fondant) mùi hương hoa hồng là sản phẩm truyền thống phổ biến ở Anh. . Còn ở Ấn Độ quả được coi là một món tráng miệng.1,5 Quả hoa hồng nhuận tràng và lợi tiểu. Mứt hoa hồng là thực phẩm khá phổ biến ở Iran. Ở Hungary, Rumania quả được sử dụng để chế ra pálinka – một loại rượu hoa quả truyền thống. Nước giải khát ở Slovenia sản xuất từ quả hoa hồng được coi là đồ uống quốc gia.
Cánh hoặc nụ hoa đôi khi được sử dụng để ướp chè hoặc kết hợp với các loại thảo mộc khác để làm cho các loại chè hoặc thuốc thảo dược ở Trung Quốc từ lâu. Ngày nay, hoa hồng đã được sử dụng điều trị cho các bệnh dạ dày và đang được nghiên cứu để kiểm soát phát triển ung thư.1
Hoa hồng là một chủ đề ưa thích trong nghệ thuật và xuất hiện trong chân dung, minh họa, trên tem, được coi như đồ trang trí hoặc được đưa vào trên những bức phù điêu trong kiến trúc. Luxembourg (nghệ sĩ người Bỉ) và nhà thực vật học Pierre-Joseph Redoute được biết đến với những bức tranh màu nước vẽ chi tiết hoa hồng. Các họa sỹ khác như Claude Monet, Paul Cézanne và Pierre-Auguste Renoir cũng có những bức tranh hoa hồng đầy ấn tượng trong tác phẩm của họ.1
Hoa hồng ngày nay chắc chắn là loại hoa được cả thế giới yêu thích và được trồng ở tất cả các nước mà khí hậu cho phép. Hiện nay, Hà Lan là quốc gia trồng hoa hồng nhiều nhất thế giới với diện tích khoảng 8000 ha và là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ecuador có 54% (khoảng 5000 ha) diện tích đất canh tác ở trồng hoa hồng. Zambia (diện tích 752.618km2) có 80% diện tích đất canh tác trồng hoa hồng.3
Nhiệt độ:
Nguồn gốc phát sinh từ những vùng địa lý khác nhau cho nên phạm vi thích ứng với nhiệt độ của hoa hồng cũng hoàn toàn khác nhau. Nhiệt độ lý tưởng cho hoa hồng phát triển tối thiểu là 15°C và tối đa là 28°C. nhiệt độ tối thích tùy theo giống, nói chung từ 23 – 25ºC, cũng có một số giống nhiệt độ tối thích là 21 – 23ºC. Nhiệt độ cao quá ảnh hưởng đến sự kéo dài của cành, khi nhiệt độ trung bình ngày vượt quá 24ºC thì cành thường ngắn hơn 35cm. Nhiệt độ ngày cũng ảnh hưởng tới sản lượng. Nhiệt độ từ 26 – 27ºC sản lượng cao hơn ở 29 – 32ºC là 49%, hoa thương phẩm cao hơn 20,8%. Nhiệt độ ban đêm khoảng 16°C là rất phù hợp. Ở khoảng nhiệt độ này số lượng và chất lượng đều bảo đảm yêu cầu.
Chính vì vậy ở các cùng núi cao như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt, có nhiệt độ ban đêm thấp 16 – 18ºC nên hoa rất đẹp và có giá trị.6
Ngoài ra sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cũng ảnh hưởng đến độ dài cành hoa hồng. Headrik và Scharpy (1987) phát hiện thấy khi nhiệt độ ngày thấp hơn đêm sẽ làm cho cành hồng ngắn lại. Đó là điều rất bất lợi đối với hoa hồng cắt cành vì độ dài cành là một trong những tiêu chuẩn quan trọng đến chất lượng hoa.
Ở nhiệt độ cao (trừ một vài loại thích nghi tốt) thì quá trình nở hoa sẽ bị ảnh hưởng, màu sắc nhạt và lượng hoa giảm đáng kể. Do đó, tại các khu vực thường xuyên có nhiệt độ cực đoan cần chọn giống chịu đựng được điều kiện nóng.
Ẩm độ:
Do hồng có tán rộng, bộ lá nhiều nên diện tích phát tán hơi nước của cây rất lớn. Vì vậy hoa hồng cần độ ẩm (đất, không khí) khá cao để sinh trưởng và phát triển. Cây hồng yêu cầu độ ẩm đất 60 – 70 %, độ ẩm không khí 80 – 85%. Nếu khống chế độ ẩm thích hợp thì độ dài cành tăng thêm trung bình là 8.2%.6 Tuy nhiên, độ ẩm đất còn phụ thuộc vào sự tăng trưởng của cây và loại hình đất trồng.
Hoa hồng đòi hỏi nhiều nước hơn so với hầu hết cây trồng cảnh quan khác, đặc biệt là trong năm đầu tiên khi bộ rễ của nó mới được thiết lập. Mặc dù rất cần có nước nhưng lượng nước dư thừa lại ảnh hưởng xấu đến cây, nhất là trong điều kiện mùa đông. Độ ẩm cao không có ảnh hưởng đến sinh trưởng và hình dáng của hoa nhưng tác động xấu của dư thừa nước sẽ biểu lộ trong quá trình bảo quản. Ngoài ra còn là tác nhân làm cho dịch hại phát triển mạnh. Do đó việc thoát nước hữu hiệu là cực kỳ cần thiết.
Một độ ẩm quá thấp có thể làm cho lá cuộn lại, nụ hoa bị khô và rụng. Nó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lá chuyển sang màu vàng.
Đất
Hoa hồng có thể trồng trên nhiều loại đất, nhưng đất sét pha là lý tưởng vì giữ được nước mà vẫn cung cấp đủ oxy cho bộ rễ phát triển. Đất sét nặng cần bổ sung thêm nhiều phân hữu cơ. Đất trồng cần có hệ thống thoát nước hợp lý. Đất có vị trí thấp thì cần lên luống cao. Độ pH khoảng 5.5 – 7.0.
Ánh sáng
Ánh sáng là nhân tố quan trọng nhất đối với sự sinh trưởng và ra hoa của hoa hồng. Cây phát triển tốt nhất ở nơi nhận được đầy đủ ánh nắng mặt trời ít nhất trong 5 – 6 giờ/ngày. Tốc độ tăng trưởng chậm lại trong điều kiện u ám, sương mù nặng. Cây sẽ ít hoặc không có hoa. Lá không còn cứng cáp và nhạy cảm với bệnh hại.
2. Đặc tính thực vật:
Thân
Thân hồng thuộc loại nhóm cây thân gỗ, cây bụi thấp có nhiều cành và gai cong.
Lá
Lá hoa hồng là lá kép lông chim, mọc cách, ở cuống lá có lá kèm, mỗi lá kép có 5 – 9 lá chét, xung quanh lá chét có nhiều răng cưa nhỏ. Tùy giống mà lá có màu sắc xanh đậm hay xanh nhạt, răng cưa nông hay sâu hay có hình trứng đến elip. Hầu hết hoa hồng là rụng lá nhưng một vài (đặc biệt là từ Đông Nam Á) là cây thường xanh hoặc gần như vậy.
Hoa
Những bông hoa của hầu hết các loài có năm cánh hoa, với ngoại lệ của Rosa Sericea thường chỉ có bốn. Mỗi cánh hoa được chia thành hai thùy riêng biệt và thường là màu trắng hoặc màu hồng, mặc dù trong một vài loài màu vàng hoặc đỏ. Bên dưới những cánh hoa là năm đài hoa (ngoại trừ Rosa Sericea). Có nhiều buồng trứng vượt trội mà phát triển thành quả bế (achenes).
Cụm hoa chủ yếu có 1 hoa hoặc tập hợp hoa trên cuống dài, cứng, có gai. Hoa hồng thuộc loại hoa lưỡng tính, nhị đực và nhị cái trên cùng 1 hoa, các nhị đực dính vào nhau bao xung quanh vòi nhụy. Khi phấn chín rơi trên đầu nhụy nên có thể tự thụ phấn. Đài hoa có màu xanh.
Tùy theo các loại hoa hồng mà màu sắc có khác nhau và ngay những giống hoa hồng lai (với những cánh hoa lớn đối xứng) cũng được tạo ra với nhiều màu sắc rực rỡ. Còn hoa hồng Polyantha tạo ra những chùm hoa nhỏ xíu dày đặc.
Rễ
Rễ hoa hồng thuộc loại rễ chùm, phát triển theo chiều ngang với nhiều rễ phụ.
Quả
Quả hình trái xoan, trong chứa rất nhiều hạt, thuộc loại quả nang. Luôn luôn có các cánh đài cùng tồn tại.
Quả của hoa hồng thuộc loại quả hợp với cấu trúc quả mọng giống như dâu tây, phúc bồn tử, mâm xôi, dâu tằm, na,…Tuy nhiên có nhiều giống không có quả vì cấu tạo cánh hoa dày đặc không thuận lợi cho quá trình thụ phấn tự nhiên của côn trùng. Quả của hầu hết các loài có màu đỏ, nhưng một vài (ví dụ Rosa Spinosissima) có màu tím đậm đến màu đen. Mỗi quả bao gồm một lớp thịt bên ngoài (hypanthium), bên trong đó có chứa 5 –160 “hạt giống”.
Hạt hoa hồng nhỏ có nhiều lông bao phủ bên ngoài. Khả năng nảy mầm rất kém do có lớp vỏ dày.
3. Kỹ thuật canh tác (chỉ đối hoa hồng lai cắt cành):
Chọn đất, chuẩn bị đất
Chon ruộng ở những nơi có nhiều ánh sáng. Thích hợp với vùng vĩ độ cao (Sa Pa) và vùng đồi núi cao vĩ độ thấp (Đà Lạt).
Chọn đất cát pha, thịt nhẹ, đất phù sa chủ động tưới tiêu, pH 5.5 – 7.0 làm đất kỹ, sạch cỏ dại. Lên luống rộng 70 – 80 cm, cao 25 – 30cm. Phân bón lót trước khi lên luống khoảng 15 – 20 tấn phân hữu cơ + 400 supe lân + 500 vôi bột cho 1ha.
Trồng hàng đôi với khoảng cách hàng là 35 – 40cm, khoảng cách cây 30cm.
Mật độ, cây giống:
Hoa hồng nhân giống chủ yếu bằng phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ hoặc ghép nêm, ghép đoạn cành trên gốc ghép là cây tầm xuân (hoa hồng dây, hoa hồng dại). Chọn cành tầm xuân bánh tẻ có đường kính từ 0,5 – 1,5cm, dài 10 – 15cm . Chăm sóc khi khi mầm có đường kính 0,3 – 0,5cm, cao 20 – 30cm thì tiến hành ghép. Khi mầm ghép mọc cao 7 – 10cm thì tiến hành đưa cây giống trồng ra ruộng sản xuất.
Mật độ thích hợp với hoa hồng cắt cành 70.000 – 80.000 gốc/ha tùy theo mức độ sinh trưởng của giống.
Chăm sóc
Sau khi mầm chính lên cao 20 – 25cm, thì tiến hành bấm ngọn, chỉ để 4 – 5 cành cấp 1 tỏa đều xung quanh tạo thành bộ khung chính của cây. Thường xuyên tỉa bỏ các lá già, cành tăm để tán cây được thông thoáng, giảm sâu và bệnh hại.
Trong thời kỳ sinh trưởng nên bón NPK (12:5:10) và có thể sử dụng phân bón lá.
Sau khi bấm ngọn cành tơ (cành non) khoảng 35 – 45 ngày (tùy theo điều kiện cụ thể về nhiệt độ, sinh trưởng,…) thì cây phát hoa. Như vậy muốn có hoa hồng phục vụ tết Nguyên đán, và những ngày sau tết, đầu tháng giêng thì cần bấm ngọn cành non vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch hàng năm.
Năng suất hoa giảm dần sau năm thứ 3 vì vậy cần thay thay thế bằng cách trồng mới.
Bảo đảm đủ ẩm cho cây. Sau mỗi đợt thu hoạch cần cắt tỉa và tiến hành bón thúc. Tiến hành làm cỏ thường xuyên.
Thu hoạch
Vị trí cắt hoa ảnh hưởng trực tiếp đến độ dài cành, cuống hoa, tới sự nảy mầm của mầm dưới vết cắt và số ngày cắt lứa sau. Cành chừa lại càng dài, càng nhiều lá thì số ngày đến cắt lứa sau càng ngắn. Nói chung nên chừa lại hai chùm có năm lá nhỏ. Sau khi cây ngủ nghỉ qua hè, cây chưa hồi lại sức sống, cắt vào tháng 9, tháng 10 có thể chừa lại ba nhánh lá có năm lá nhỏ. Tháng 3, tháng 4 cây sung sức, để khống chế chiều cao, có thể chừa lại ít, hoặc không chừa lại nhánh có năm lá nhỏ, thậm chí có thể cắt đến cành ra hoa chính.7
Tiêu chuẩn cắt hoa chủ yếu dựa vào chỉ số hoa nở; hái đúng lúc đảm bảo hoa tươi lâu và đẹp. Nếu hái sớm, khi cuống còn non hoa dễ bị cong queo và sẽ không nở được, hái muộn quá hoa sẽ chống tàn. Tiêu chuẩn thu hái phụ thuộc vào giống và cự ly vận chuyển. Nói chung hoa đỏ và màu phấn hồng, chỉ số hoa là 2 (đài hoa cúp xuống, cánh hoa tầng ngoài cùng bắt đầu rời ra, tách ra, lỏng ra). Hoa màu vàng nở nhanh nên thu hái sớm, chỉ số hoa nở là 1 thì hái (đài hoa duỗi thẳng ra), giống hoa trắng có thể hái muộn hơn: giống nở chậm thì hái muộn, giống nở nhanh thì hái sớm. Bán tại chỗ hoặc vận chuyển gần thì hái ở chỉ số 3 (cánh hoa ngoài đã nở). Vận chuyển xa thì hái từ lúc đang còn là nụ vì khi đó hoa ít bị dập nát, ít nhiễm bệnh, ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao và dễ bảo quản. Cuối vụ xuân và vụ hè có thể thu hái sớm hơn so với đầu xuân và mùa thu.7
Các thí nghiệm chứng minh hái vào 4 giờ 30 phút chiều tuổi thọ của hoa dài hơn 11% so với hái vào 8 giờ sáng.7
Thông thường hoa hồng nở không đều. Vì vậy cần tiến hành bao hoa để có thể thu hoạch gọn, bảo đảm giá trị hoa khi đem ra thị trường.
Sau khi cắt hoa xong phải cắm ngay 1/3 cuống hoa vào trong thùng nước, đưa vào nơi mát, thông thoáng để xử lý sơ bộ. Tiến hành xử lý bằng các dưỡng chất nhằm hạn chế tác hại của dịch hại, kèo dài thời gian ngủ nghỉ của hoa,… bằng các sản phẩm có bán trên thị trường.
4. Dịch hại chính:
Các loại sâu hại chính trên hoa hồng gồm: Rệp (Toxoptera auranti. Macrosiphum rosae); Bọ phấn (Bemisia tabaci); Bọ trĩ (Thrips palmi); Nhện đỏ (Tetranychus urticae); Sâu xanh (Helicoverpa armigera); Bọ cánh cứng (Popillia japonica);
Những loại bệnh thường xuyên có trên đồng ruộng là Bệnh sương mai (Peronospora sparsa); Bệnh mốc xám (Botrytis cinerea); Bệnh gỉ sắt (Phragmidium mucronatum); Bệnh đốm đen (Diplocarpon rosae); Bệnh phấn trắng (Sphaerotheca pannosa); Bệnh sùi cành, u rễ do vi khuẩn (Agrobacterium sp.); Bệnh thán thư (Sphaceloma rosarum) và một số bệnh do tuyến trùng.