Người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang nông sản xanh, hữu cơ

Nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến chi phí và công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều giải pháp đã được ngành nông nghiệp đề ra trong diễn đàn ngày 22/12.

Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh văn phòng Bộ NN-PTNT (trái) và ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (giữa) điều hành diễn đàn tại đầu cầu phía Nam. 
Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh văn phòng Bộ NN-PTNT (trái) và ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (giữa) điều hành diễn đàn tại đầu cầu phía Nam. 

Tăng trưởng nhanh trong 5 năm

Ngày 22/12, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) tổ chức diễn đàn với chủ đề “Kết nối tiêu thụ nông sản hữu cơ khu vực phía Nam”.

Bà Nguyễn Vân Hương, Trưởng phòng Thị trường trong nước, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản cho biết, việc sản xuất, canh tác hữu cơ tăng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong khoảng 5 năm gần đây. Diện tích canh tác hữu cơ năm 2016 là 50.000 ha. Đến năm 2020, con số này tăng lên thành 240.000 ha.

Hiện hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm hữu cơ hơn 300 triệu USD/năm, và đã xuất khẩu tới khoảng 180 nước.

Nhằm đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ trên phạm vi cả nước, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, và gắn với đề án với việc hình thành các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng đến xuất khẩu, đồng thời đạt tiêu chuẩn ngang bằng với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp xác định tập trung vào một số nhóm giải pháp như: Phát triển các vùng sản xuất tập trung, đa dạng hóa hình thức sản xuất, nghiên cứu, đẩy mạnh công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện quy trình, đồng thời phát triển  nhóm vật tư đầu vào.

Theo bà Hương, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được triển khai phong phú, đa dạng, và cho hiệu quả trong thực tế ở các mô hình sản xuất như trồng lúa – nuôi tôm, trồng cà phê… tại nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang… 

“Cần có nhận thức thống nhất giữa các tổ chức, cá nhân để xây dựng được lộ trình phát triển nông nghiệp hữu cơ một cách bền vững”, bà Hương nói.

Khảo sát của Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản cho thấy, thị trường tiêu thụ đang có xu hướng chuyển đổi sang nông sản xanh, nông sản hữu cơ. Tuy nhiên, mâu thuẫn về chi phí, cũng như tính liên kết trong các chuỗi liên kết khiến quá trình này chưa thể đẩy nhanh.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, cho biết, hiện người sản xuất, người tiêu dùng Việt Nam đôi khi còn nhầm lẫn giữa sản phẩm hữu cơ hoàn toàn và sản phẩm hữu cơ một phần.

Theo quan điểm của ông, sản phẩm hữu cơ phải được chuẩn hóa hoàn toàn từ khâu giống, nguyên liệu đầu vào, kỹ thuật chăm sóc, cho đến khâu đóng gói, bao bì.

“Đã nói đến sản phẩm hữu cơ là sẽ không có bất cứ vấn đề gì liên quan tới dư lượng hay hóa chất sử dụng. Trước khi nhắc đến giá trị tăng thêm, sản phẩm hữu cơ phải đảm bảo vệ sinh, an toàn”, ông Hòa nói.

Qua diễn đàn sáng 22/12, lãnh đạo Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản cho rằng các bên liên quan đã có thêm nhiều kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Ông Hòa cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân tập trung tìm những phương án phát nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ dần trở thành yêu cầu hàng đầu của thị trường.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ dần trở thành yêu cầu hàng đầu của thị trường.

Xây dựng mô hình điểm

Ông Trần Thế Như Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NHONHO cho biết quy trình canh tác hữu cơ giờ phổ biến trên toàn thế giới, với tổng diện tích hơn 50 triệu ha. Trong đó, 4 nguyên tắc của sản xuất nông nghiệp hữu cơ là: Sức khỏe (đất, cây trồng, gia súc, con người); Sinh thái (hệ tự nhiên mô phỏng và bền vững): Công bằng (bình, đẳng tôn trọng và công lý cho mọi sinh vật); Nguyên tắc quan tâm (vì các thế hệ tương lai).

Với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, ông Hiệp cho rằng thách thức chủ yếu nằm ở quy mô, diện tích sản xuất hạn chế; thiếu vốn đầu tư, công nghệ để nâng cao năng suất; chi phí đầu vào lớn, thu nhập chưa tương xứng. Ngoài ra, việc tiêu thụ, phân phối những sản phẩm này gặp rào cản ở tâm lý người tiêu dùng.

Giảm chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ gần như là yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ doanh nghiệp nào muốn bước chân vào lĩnh vực này.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt tham luận về phương án xây dựng chuỗi nông nghiệp tuần hoàn, trong đó nhấn mạnh tới việc tối ưu các nguyên liệu đầu vào, cũng như tận dụng phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất.

“Bộ NN-PTNT đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị của Bộ, nhằm nghiên cứu hết tiềm năng, giá trị sử dụng của phế phụ phẩm nông nghiệp”, ông Tùng nhấn mạnh.

Hiện việc thu gom, sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tại Việt Nam mới dừng ở mức sơ khai. Chẳng hạn, rơm lúa mới được dùng là thức ăn thô cho gia súc, chất động chuồng, đệm lót sinh học, nấm rơm; hay như phụ phẩm chăn nuôi chủ yếu để ủ phân, sử dụng làm khí sinh học, chế phẩm vi sinh.

Ông Tùng cho rằng, chưa có nhiều doanh nghiệp cả trong lẫn ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.

Một lưu ý nữa được ông Tùng đưa ra, là Việt Nam có lợi thế lớn về năng lượng sinh khối, chẳng hạn như vỏ trấu, bã mía, cây cao lương… Để khai thác một cách bài bản, bền vững, ngành nông nghiệp cần một chiến lược dài hơi, mới có thể tích hợp được nhiều giá trị từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ thực vật…

“Nếu không khai thác triệt để phế phụ phẩm nông nghiệp, chúng ta sẽ lãng phí rất nhiều nguồn lực. Thu nhập của bà con nông dân cũng trở nên bấp bênh”, ông Tùng nhận định.

Nhằm nâng cao hiệu quả và lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bao gồm cả phế phụ phẩm, ông Tùng khẳng định, việc gia tăng hàm lượng công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị và quy trình sản xuất là yếu tố tiên quyết để hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa.

Một số giải pháp được lãnh đạo Cục Trồng trọt đưa ra, là xây dựng mô hình mẫu tại những địa phương có nhu cầu xây dựng nông nghiệp hữu cơ, đào tạo cán bộ quản lý, nông dân giỏi dựa trên kết quả triển khai thực tế của các mô hình. 

“Chúng ta không chỉ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mà cao hơn là phải thay đổi được nhận thức cho người dân. Nông nghiệp hữu cơ không đơn thuần là cách tiếp cận, đó còn là môi trường sống của mỗi chúng ta”, ông Tùng kết luận.

Nông dân hưởng ứng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Nhằm tạo ra nông sản sạch, cũng như lưu giữ đời sống lúa mùa cho thế hệ mai sau biết về loài cây này, Lê Quốc Việt, Hội Nông dân Châu Thành, Kiên Giang quyết định không theo trào lưu làm lúa cao sản, mà chọn ngược dòng làm lúa mùa, 6 tháng mới thu hoạch, mỗi năm một vụ, năng suất chừng 3 – 3,5 tấn/ha.

Từ chỗ nhận nhiều cái nhìn nghi ngại, người đàn ông có biệt danh “Tư Lúa mùa” hiện triển khai tổ hợp tác trồng lúa mùa với quy mô 39 hộ, diện tích hơn 40 ha. Hệ sinh thái lúa mùa và tôm càng xanh của ông ngày càng được mở rộng, sản lượng khoảng 50 tấn/năm, tương đương 30 tấn gạo không hoá chất. Ngoài ra, ông tận dụng được bùn tự nhiên trong ruộng để phát triển nuôi tôm.

“Do thời gian sinh trưởng dài, lúa mùa có khả năng phục hồi tốt, và không e ngại vấn đề sâu bệnh”, ông Việt chia sẻ.

Giống ông Việt, bà Đặng Thị Cuối, chủ HTX rau hữu cơ Cuối Quý, huyện Đan Phượng, Hà Nội triển khai làm rau hữu cơ từ nhiều năm nay. Quy mô của HTX hiện khoảng hơn 50 ha, trong đó có 1 ha nhà kính, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.

HTX Organic Hopefarm được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Vinacontrol TP. HCM. Ảnh: Tùng Đinh.
HTX Organic Hopefarm được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Vinacontrol TP. HCM. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ những kinh nghiệm học được trong thời gian đi xuất khẩu lao động Đài Loan, bà Cuối sử dụng phương pháp canh tác “5 không”, đó là: Không phun thuốc diệt cỏ; Không phân bón hóa học; Không thuốc BVTV; Không kích thích tăng trưởng; Không giống biến đổi gen nhằm bảo vệ môi trường và “giữ chân” thiên địch.

“Bí quyết trừ sâu hiệu quả của chúng tôi là bắt sâu, ngâm ủ hoại tử với chế phẩm sinh học để tạo thành phân tưới vi sinh cho cây, sâu ngấm phải dung dịch này cứ thế yếu dần và chết”, bà bày tỏ.

Một trong những sản phẩm đắt khách nhất của HTX Cuối Quý là rau hẹ. Hiện loại rau này đã được xuất đi nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Trung Đông.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các hộ nông dân bày tỏ mong muốn, được các cơ quan, tổ chức chia sẻ, phổ biến thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức về canh tác hữu cơ, đồng thời đáp ứng được kịp thời với những thay đổi của thị trường.

Bảo Thắng (Nông nghiệp Việt Nam)

ĐẶT HÀNG ZALO