Nhện đỏ trên cây có múi

1. Giới thiệu chung

Nhện đỏ (Panonychus citri Mc Gregor) có thể được coi là một loài dịch hại khá phổ biến và quan trọng trên nhóm cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi, phật thủ, quất…) ở nước ta và nhiều nước trồng cam quýt trong khu vực hiện nay (đặc biệt là vào những thời gian nắng nóng, khô hạn), tác hại của chúng có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Ngoài nhóm cây có múi, chúng còn gây hại khá phổ biến trên nhiều loại cây ăn trái, cây hoa cảnh…nên việc phòng trừ chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn do ký chủ của chúng khá phong phú và luôn có mặt trên vườn cây, đồng ruộng.

1.1 Triệu chứng và mức độ gây hại

Nhện đỏ gây hại bằng cách cả trưởng thành và ấu trùng (nhện non) đều tập trung ở mặt dưới của búp lá non, lá bánh tẻ, nụ hoa, cuống hoa, vỏ trái non… chích hút nhựa của những bộ phận này.

Trên lá, vết chích hút tạo thành những chấm nhỏ li ti ở mặt trên của lá. Nếu nặng, những vết sẽ dày đặc và lan rộng dần, làm cho lá bị mất mầu xanh chuyển dần sang mầu xám trắng (bạc mầu), khô dần và rụng.

Trên trái, nhện tập trung ở gần cuống trái và những chỗ lõm trên vỏ trái khi trái còn non, chích hút vỏ trái làm vỡ các túi tinh dầu, tinh dầu thoát ra ngoài bám trên vỏ trái rồi khô dần làm cho vỏ trái sần sùi có mầu vàng bẩn giống như cám gạo, nên bà con Nam bộ thường gọi là trái bị “da cám”, khiến trái xấu xí, giảm phẩm chất, khó bán.

1.2 Đặc điểm nhận dạng

Con trưởng thành có hình bầu dục, dài 0,3-0,4 mm, mầu đỏ nâu, có nhiều lông mịn, có 4 đôi chân (2 đôi hướng về phía trước, 2 đôi hướng về phía sau), Con ấu trùng mầu lợt hơn trưởng thành, có 3 đôi chân (2 đôi hướng về phía trước, 1 đôi hướng về phía sau), sau khi lột xác hai lần để hóa trưởng thành lúc đó mới có 4 đôi chân. Trứng rất nhỏ, tròn, mầu đỏ, nằm rải rác trên cả hai mặt lá.

Nhện đỏ có kích thước cơ thể rất nhỏ, mắt thường nếu không có kinh nghiệm sẽ khó phát hiện, nhưng có thể phát hiện chúng qua triệu chứng bị hại trên lá, trên trái, hoặc dùng kính lúp có độ phóng đại lớn quan sát sự di chuyển của chúng trên mặt lá, vỏ trái. Cũng có thể dùng tờ giấy trắng gấp đôi đặt lá nghi có nhện gây hại vào giữa hai vết gấp rồi dùng tay vuốt nhẹ phía bên ngoài tờ giấy, mở tờ giấy ra nếu thấy có những chấm mầu đỏ in trên giấy thì có thể nghĩ ngay đến nhện đỏ.

1.3 Đặc điểm sinh vật

Nhện thường sống ở mặt dưới của lá và những nơi có nhiều nắng (trảng nắng) ở phía ngoài tán, hoạt động và di chuyển nhanh. Chúng sinh trưởng, phát triển và tích lũy số lượng rất nhanh do vòng đời ngắn và đẻ trứng nhiều, khả năng kháng thuốc của nhện đỏ rất cao.

Trứng được đẻ rời rạc thành từng quả trên cả hai mặt lá. Một nhện trưởng thành cái có thể đẻ 20 – 50 trứng.

1.4 Đặc điểm phát sinh phát triển

Nhện đỏ có thể xuất hiện và gây hại quanh năm, nhưng thường hại mạnh nhất vào những tháng mùa khô, nắng nóng.

Tuy nhiên, hiện nay do nhà vườn dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trên vườn cam quýt, vì thế hầu hết thiên địch của nhện đỏ đã bị tận diệt, mặt khác việc dùng thuốc quá nhiều này cũng đã gây áp lực rất lớn lên việc tự bảo tồn nòi giống của nhện, khiến nhện đỏ nhện đã lờn kháng thuốc rất nhanh, rất dễ làm cho nhện bùng phát gây hại mạnh vào những thời điểm không phải là mùa khô, nắng nóng.

Thực tế đồng ruộng cho thấy, những vườn không được trồng thêm những cây cao để che bớt nắng, những vườn không được thường xuyên tưới nước trong mùa khô nóng, thường là những vườn bị nhện đỏ gây hại nhiều hơn những vườn có tiểu khí hậu mát mẻ. Trong một vườn những nơi trảng nắng thường bị nhện đỏ gây hại nhiều hơn những nơi được cây cao che bớt nắng, trong một cây, những nơi trảng nắng (như xung quanh tán lá) cũng thường bị nhện đỏ gây hại nhiều hơn những nơi nằm khuất trong tán lá mát mẻ hơn.

2. Biện pháp canh tác

Không nên trồng quá dầy và thường xuyên tỉa bỏ những cành nhánh không cần thiết bên trong tán để vườn cây luôn thông thoáng.

Bón phân dứt điểm thành từng đợt, tránh bón lai rai để hạn chế thức ăn phù hợp cho nhện liên tục có mặt trên vườn cây. Và phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali, tránh lạm dụng phân đạm. Những vườn thường bị nhện gây hại nhiều thì nên tăng cường bón thêm phân lân và kali.

Nếu có điều kiện nên trồng xen một số cây cao có khả năng che bớt nắng cho vườn cam quýt. Vào mùa khô, nắng nóng, phải thường xuyên tưới vườn để cung cấp đủ nước cho cây và tạo tiểu khí hậu mát mẻ trong vườn.

Phải kiểm tra vườn cây thường xuyên, nhất là những giai đoạn cây ra đọt, lá non, lá bánh tẻ, ra hoa kết trái…để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ nhện kịp thời.

3. Biện pháp lợi dụng thiên địch

Nhện nhỏ bắt mồi (Euseius spp., Ablyseius sp. ), bọ rùa nhỏ (Stethorus sp.)… là những thiên địch rất quan trọng giúp nhà vườn khống chế mật số của nhện đỏ trên vườn cam quýt, vì thế phải hết sức cân nhắc mỗi khi sử dụng thuốc, khi cần phun phải thực hiện triệt để nguyên tắc 4 đúng để bảo vệ những loài thiên địch này.

4. Biện pháp thuốc BVTV

Phải sử dụng những loại thuốc đặc trị nhện đỏ mới mang lại hiệu quả mong muốn.

Đối với những vườn thường bị nhện gây hại nặng, nếu cây còn nhỏ thì mỗi khi cây vừa nhú đọt non, khi đọt non ra rộ và khi lá non bước sang giai đọan bánh tẻ cần xịt thuốc để diệt nhện. Nếu cây đã bước vào giai đoạn cho trái trở đi, thì mỗi khi nụ hoa ra rộ, sau khi tượng trái rộ khoảng 1 tuần và 3 tuần cũng nên xịt thuốc để diệt trừ nhện.

Sản phẩm: Tomuki 50EC

Nguồn: Nông dược Việt Nam

ĐẶT HÀNG ZALO