1. Giới thiệu chung
Cùng với sâu xanh ăn lá (bướm phượng), sâu vẽ bùa, rệp sáp, rầy chổng cánh, sâu đục thân, đục trái …thì rầy mềm (còn gọi là rệp muội, rệp cam…) cũng là những loài côn trùng thường xuyên xuất hiện và gây hại, nhiều khi rất trầm trọng trên cây cam quýt (đặc biệt là cây quýt), ở nước ta hiện nay.
Rầy mềm (thuộc họ Rầy mềm Aphididae, bộ Cánh đều Homoptera) có nhiều loài, nhưng trên cây cam quýt chủ yếu là hai loài Toxoptera aurantii và T. citricidus. Ngoài cam quýt, hai loài này còn gây hại trên cây chanh (nhưng không nhiều lắm), trên cây mãng cầu, cây mít. Riêng loài Toxoptera aurantii còn thấy xuất hiện trên cả cây ca cao, bầu bí mướp, và các loại dưa…
Cùng với Việt Nam, hai loài rầy này còn được ghi nhận trên cam quýt ở một số nước như: Ấn Độ, Đài Loan, Hàn quốc, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Myanmar, Sri-lanka, Châu Úc…
1.1 Triệu chứng và mức độ gây hại
Cả trưởng thành và rầy non đều tập trung ở đọt non, lá non, cành non chích hút nhựa làm cho đọt non, lá non bị biến dạng cong queo, giảm khả năng tăng trưởng của cây, nếu nặng có thể làm cây chậm lớn còi cọc, chùm hoa và trái non có thể bị rụng, trái lớn có thể bị chín ép (chín sớm) làm giảm phẩm chất trái.
Ngoài gây hại trực tiếp, chất bài tiết do rầy thải ra vẫn còn chứa nhiều chất đường mật, đây là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng Capnodium sp. (muội đen) phát triển phủ đen kín mặt lá, đọt lá non, cành non… làm giảm khả năng quang hợp tạo vật chất hữu cơ nuôi cây.
Không những thế, rầy mềm còn là môi giới truyền bệnh “Tristeza” cho cây cam quýt, làm cho rễ cây bị suy yếu, cây thiếu dinh dưỡng, nếu nặng có thể làm chết các cành non.
Những tác động trực tiếp và gián tiếp trên đây gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cam quýt, nhiều trường hợp đã gây thất thu rất lớn cho nhà vườn.
1.2 Đặc điểm nhận dạng
1.2.1 Loài Toxoptera aurantii: Con trưởng thành có hai dạng, có cánh và không có cánh:
– Dạng có cánh: Cơ thể dài 1,44 -1,80 mm. Chân và râu đầu mầu vàng nâu nhạt, cuối mỗi đốt mầu nâu. Râu đầu có 6 đốt, ngắn hơn cơ thể. Vòi chích hút kéo dài đến đốt chậu chân sau. Ống bụng dài màu nâu đến nâu sẫm.
– Dạng không có cánh: Cơ thể dài từ 1,70-1,80 mm, mầu nâu đỏ. Râu đầu có 6 đốt.
1.2.2 Loài Toxoptera citricidus: Con trưởng thành cũng có hai dạng, có cánh và không có cánh.
– Dạng có cánh: Cơ thể dài 1,6-2,1 mm, rộng 0,8-1,0 mm, mầu nâu đỏ đến đen. Râu đầu ngắn hơn cơ thể, mầu nâu đỏ, đoạn cuối của râu và các đoạn nối các đốt râu có mầu trắng. Vòi chích hút kéo dài đến hết đốt chậu chân sau, đốt cuối cùng nhọn và hẹp. Chân màu sậm, riêng đốt chày màu nhạt. Bụng màu nhạt, có nhiều đốm đậm nằm rải rác. Ống bụng dạng trụ, màu đậm.
– Dạng không có cánh: Cơ thể dài 1,7-2,1 mm, rộng 1,1-1,35 mm, (lớn hơn dạng có cánh) màu nâu đỏ. Trên cơ thể có nhiều lông dài và nhiều đốm màu rải rác.
1.3 Đặc điểm sinh vật
Cũng giống như một số loài rầy rệp khác, con trưởng thành cái của rầy mềm thường đẻ ra con. Một con cái có thể đẻ trên 100 con (một ngày có thể đẻ từ 1 – 16 con).
Ấu trùng của rầy mềm có 5 tuổi, thời gian ấu trùng khoảng 4 – 16 ngày (tùy theo điều kiện thời tiết, môi trường và thức ăn). Dạng có cánh phát triển nhiều khi mật số cao không còn đủ thức ăn hoặc thức ăn không còn thích hợp (lá đã chuyển bánh tẻ và già) để dễ dàng di chuyển đi tìm nơi có điều kiện môi trường thích hợp và nguồn thức ăn mới phù hợp để bảo tồn nòi giống. Dạng không có cánh phát triển nhiều khi nguồn thức ăn phong phú, phù hợp (đọt, lá non mềm) và điều kiện thời tiết thích hợp. Vòng đời của rầy mềm kéo dài khoảng 3 tuần.
Rầy mềm là môi giới truyền bệnh “Tristeza” cho cây cam quýt, chỉ cần chích hút một phút vào cây bị bệnh là rầy mềm có thể lấy được virus gây bệnh, và chỉ cần khoảng 3 phút là có thể truyền virus gây bệnh sang cho cây khỏe. Nhưng virus này không có khả năng tồn tại lâu trong cơ thể rầy mềm, sau khi chích hút lấy được virus cây bệnh, nếu rầy không chích hút truyền bệnh cho cây khỏe thì chỉ sau khoảng 24 giờ là không còn khả năng truyền bệnh cho cây khỏe nữa.
1.4 Đặc điểm phát sinh phát triển
Rầy mềm có thể xuất hiện và gây hại quanh năm trên các vườn cam quýt, nhưng thường gây hại nhiều nhất vào những đợt cây ra đọt non, lá non, ra hoa, kết trái. Thực tế vườn cây cho thấy những vườn bón thừa phân đạm làm cho cây xanh tốt quá mức, những bộ phận non sẽ mềm yếu thường là những vườn bị rầy mềm gây hại nhiều hơn những vườn khác.,
Nếu điều kiện thời tiết và thức ăn thích hơp có thể có 12 thế hệ một năm.
2. Biện pháp canh tác
Chăm sóc cho cây sinh trưởng khỏe, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để điều khiển cho cây ra đọt, lá non tập trung, hạn chế nguồn thức ăn phù hợp cho rầy mềm liên tục có mặt trên vườn cây, sẽ có tác dụng hạn chế tác hại của rầy mềm. Biện pháp này cần vận động nhiều chủ vườn xung quanh cùng tiến hành đồng loạt thì mới mang lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, bón phân cân đối và hợp lý giữa đạm, lân và ka li, không bón quá thừa đạm cũng là những biện pháp giúp cây khỏe mạnh, hạn chế bớt tác hại của rầy mềm.
3. Biện pháp lợi dụng thiên địch
Trong tự nhiên rầy mềm bị rất nhiều loại thiên địch khống chế mật số. Tuy nhiên, do những năm gần đây nhà vườn quá lạm dụng thuốc trừ sâu (nhất là những vùng chuyên canh cây cam quýt) nên nhiều nơi đã tận diệt những loài thiên địch này. Để bảo vệ thiên địch, dần khôi phục lại sự cân bằng hệ sinh thái vườn cây, nhà vườn không nên quá lạm dụng thuốc hóa học, chỉ nên sử dụng thuốc khi thật cần thiết và phải chọn những loại thuốc đặc trị, hạn chế thuốc phổ rộng, đặc biệt là phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.
4. Biện pháp thuốc BVTV
Nguồn: Nông dược Việt Nam