1. Giới thiệu chung
Rệp xơ trắng (Ceratovacuna lagigera Zehntner) là một trong vài loài dịch hại nguy hiểm trên cây mía ở nước ta và nhiều nước khác trong khu vực, chúng có mặt ở hầu hết các vùng chuyên canh cây mía của cả nước.
1.1 Triệu chứng, mức độ hại
Cả con trưởng thành và rệp non đều nằm tập trung ở mặt dưới của lá mía chích hút nhựa. Nếu nặng, có thể làm lá mía bị vàng úa, cây mía sinh trưởng, phát triển kém, còi cọc, các lóng mía có thể bị ngắn lại. Ngoài việc gây thất thu năng suất nghiêm trọng, chúng còn làm giảm hàm lượng đường trong cây (có khi lên tới 40-50%) và giảm chất lượng nguyên liệu (khi chế biến không ra được đường kết tinh mà chuyển sang dạng mật).
Hom giống lấy từ ruộng bị rệp hại nặng sẽ mất khả năng mọc mầm hoặc mọc mầm rất yếu, mía gốc mất khả năng nẩy chồi hoặc nẩy chồi rất chậm, yếu ớt, ruộng mía mất khoảng nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến mật số cây và sức khỏe của cây mía ở vụ mía lưu gốc kế tiếp…
Ngoài ra, chất bài tiết do rệp thải ra vẫn còn chứa nhiều chất đường mật, đây là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng Capnodium sp. (muội đen) phát triển phủ đen kín mặt lá làm giảm khả năng quang hợp tạo vật chất hữu cơ nuôi cây.
1.2 Nhận dạng
a. Rệp trưởng thành:
Rệp cái đẻ con không có cánh: cơ thể dài 2mm, trên lưng phủ đầy sáp dạng sợi bông trắng. Thân màu vàng hoặc vàng xanh. Râu đầu ngắn có 5 đốt.
Rệp cái đẻ con có cánh: cơ thể dài 2mm. Cánh dài 3,5 mm, trong suốt che hết phần bụng, mạch cánh thoái hóa. Đầu màu đen. Ngực màu nâu tối. Bụng màu đen hoặc xanh đậm. Chân màu đen. Râu đầu ngắn nhỏ có 5 đốt.
b. Rệp non: đẫy sức dài 0,7 mm, có hai dạng:
Dạng có cánh: mới nở màu xanh đậm, tới tuổi 4 lưng ngực giữa dài ra. Ngực sau và lưng bụng có lớp sáp sợi dài, ngực giữa và ngực sau có mầm cánh. Râu đầu có 5 đốt.
Dạng không có cánh: mới nở màu vàng nhạt, sau chuyển thành màu xanh lục nhạt. Đến tuổi 4 trên lưng có nhiều lớp sáp trắng. Râu đẩu có 4 đốt.
1.3 Sinh vật học
Sau khi hóa trưởng thành khoảng 2-3 ngày thì rệp sinh sản. Rệp đẻ trực tiếp ra con, mỗi con cái dạng không có cánh có thể đẻ từ 33-63 con, dạng có cánh có thể đẻ từ 14-20 con. Sau khi đẻ 20-30 phút rệp mẹ có thể chết.
Sau khi được đẻ ra, rệp non phát tán ra xung quanh để tìm nơi sinh sống. Rệp non lột xác 3 lần, sau khi sinh từ 30-40 ngày thì rệp non thành rệp trưởng thành (dạng có cánh) và sau 15-30 ngày (dạng không có cánh).
Cả rệp non và rệp trưởng thành sống tập trung thành từng đám ở mặt sau của lá mía để trốn tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời. Rệp non hoạt động nhanh nhẹn hơn rệp trưởng thành. Một năm có thể có từ 20-30 lứa (nếu điều kiện sống thuận lợi khoảng 14-16 ngày có một lứa).
1.4 Sự phát sinh phát triển
Sự xuất hiện của các dạng hình rệp (có cánh hoặc không có cánh) có quan hệ mật thiết với điều kiện sống, nếu điều kiện sống thuận lợi (thức ăn nhiều và phù hợp (thường rơi vào thời kỳ cây mía đang vươn lóng, sinh trưởng mạnh), thời tiết mát mẻ…) thì dạng không có cánh chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Ngược lại, nếu điều kiện thức ăn không thuận lợi (lá mía già, dịch lá cạn kiệt dần, sắp hết thức ăn (thường rơi vào thời kỳ cuối vụ sắp thu hoạch) để bảo tồn nòi giống thì dạng có cánh thường xuất hiện nhiều hơn để phát tán đi tìm nguồn thức ăn mới.
Rệp sinh trưởng và phát triển mạnh nhất trong điều kiện thời tiết mát mẻ (nhiệt độ khoảng 20-23 độ C), nếu nóng trên 28 độ C và lạnh dưới 15 độ C thì phát triển kém. Mưa lớn và kéo dài, làm cho rệp bị rửa trôi, rệp cũng sẽ gây hại ít hơn.
Những giống mía có phiến lá dầy, hẹp, góc độ lá nhỏ (lá dựng đứng nhiều) thường bị rệp gây hại ít hơn những giống mía có phiến lá mỏng, rộng, góc độ lá lớn (xòe ngang nhiều).
Thực tế đồng ruộng cho thấy, rệp có thể phát sinh quanh năm, nhưng thường có mật số cao và gây hại nhiều vào thời kỳ vươn lóng trở đi, nhất là từ tháng 8, tháng 9 đến tháng11 hàng năm. Rệp phát triển mạnh khi cây mía đang sinh trưởng mạnh đặc biệt là trên những ruộng mía bón quá thừa phân đạm, mọc um tùm rậm rạp thiếu ánh sáng.
Để hạn chế tác hại của rệp sơ bông trắng trên mía, phải áp dụng kết hợp một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sau đây là một số biện pháp chính:
2. Biện pháp canh tác
Sau thu hoạch, cần thu gom hết tàn dư của cây mía đưa ra khỏi ruộng đốt tiêu hủy, dọn sạch cỏ dại xung quanh bờ… để hạn chế rệp lây lan cho vụ sau.
Nên trồng tập trung gọn thời vụ, tránh trồng lai rai nhiều thời vụ trong một khu đồng để hạn chế rệp di chuyển từ những ruộng đang thu hoạch sang những ruộng liền kề mía đang vương lóng, đang còn nhỏ… Nhằm cắt đứt cầu nối thức ăn trên đồng ruộng cho rệp sinh sống.
Không lấy hom ở những ruộng đã bị rệp gây hại nặng làm giống cho vụ sau. Nên theo dõi tập đoàn giống đang được trồng phổ biến ở địa phương, để lựa chọn những giống có khả năng chống chịu cao với rệp để trồng cho các vụ sau. Thực tế sản xuất ở nhiều địa phương cho thấy những giống trong nhóm mía ROC thường là những giống chống chịu với rệp tốt hơn các giống MY 55-14, F 156…
Phải bón đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân và kali, giúp cây mía sinh trưởng, phát triển mạnh, có sức chống đỡ với rệp.
Phải tỉa cây để ổn định mật độ sớm và thường xuyên bóc tỉa thu gom lá già, lá có nhiều rệp,… để ruộng luôn thông thoáng, hạn chế rệp phát sinh phát triển.
Không nên để ruộng quá khô hạn, nếu có điều kiện nên tưới giữ ẩm đất thường xuyên.
Kiểm tra ruộng mía thường xuyên (nhất là từ khi mía bắt đầu vươn lóng) để phát hiện sớm rệp khi chúng mới phát sinh còn ở diện hẹp, thu gom những lá có nhiều rệp đem tiêu hủy.
3. Biện pháp lợi dụng thiên địch
Có rất nhiều loài thiên địch ăn rệp cần được bảo vệ như bọ rùa đỏ, bọ rùa 8 chấm, nhện, bọ đuôi kìm (một con bọ đuôi kìm có thể ăn 20-30 con rệp/ ngày đêm, nếu có điều kiện có thể nuôi bọ để thả vào ruộng mía), sâu non vệt xanh cũng là một thiên địch của rệp (nếu mật số rệp còn thấp, mà có từ 5-10 tổ sâu này/ lá thì không cần phun thuốc diệt rệp)…
4. Biện pháp thuốc BVTV
Rệp xơ trắng hại mía có thể sử dụng nhiều loại thuốc khác để phòng trừ hiệu quả nhưng trong giới hạn của Giải pháp này chúng tôi chỉ hướng dẫn sử dụng được một số loại thuốc.
Sản phẩm: Goldra 250WG, Matoko 50WG, Sachray 200WP
Nguồn: Nông dược Việt Nam