1. Giới thiệu chung
Cùng với sâu xanh ăn lá (bướm phượng), sâu vẽ bùa, rệp sáp, rầy chổng cánh, rầy mềm, sâu đục thân…thì ruồi đục quả (Bactrocera dorsalis Hendel/ Dacus dorsalis Hendel/ Strumeta dorsalis Hendel… thuộc họ ruồi đục trái (Trypetidae), bộ hai cánh (Diptera) cũng là một loài dịch hại thường xuất hiện và gây hại trên nhóm cây có múi (nhất là quýt Tiều, quýt đường…) ở nước ta hiện nay.
Đây là một loài côn trùng đa thực, ngoài nhóm cây có múi loài ruồi này còn phá hại trên rất nhiều loại cây khác như xoài, ổi, nhãn, vải, táo, mận (gioi), chôm chôm, đu đủ, mãng cầu xiêm, hồng bì, hồng xiêm (sapoche), thanh long, mít, thị… nên việc phòng trừ chúng nhiều khi cũng gặp không ít khó khăn do thức ăn của chúng liên tục có mặt trên đồng ruộng, vườn cây.
Ruồi đục quả phân bố ở hầu hết các vùng trên thế giới, nhưng chủ yếu tại các nước Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Bangladesh, Brunei, Darussalam, Capuchia, Ấn Độ, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Sri Lanca, Thailand, Philippines… Ở nước ta, ở đâu có trồng cây ăn quả là ở đó có loài ruồi này gây hại.
1.1. Triệu chứng và mức độ gây hại
Con trưởng thành cái dùng vòi đẻ trứng chọc thủng vỏ quả rồi đẻ trứng vào bên trong. Sau vài ngày, tại miệng lỗ chọc ở vỏ quả bắt đầu ứa nước, mép lỗ chọc hơi nhô cao, rồi bị thối. Triệu chứng này càng về sau càng rõ rệt và lan rộng dần.
Những quả bị ruồi đục, ngoài việc ấu trùng cắn phá làm cho quả bị thối ruỗng bên trong, thì những quả này còn bị bội nhiễm vi sinh vật gây bệnh làm quả bị hư thối và rụng nhanh hơn. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì loài ruồi này có thể làm giảm khoảng 10-15% năng suất và sản lượng quả hàng năm. Đây là một đối tượng kiểm dịch thực vật quốc tế, sự phá hại của loài ruồi này đã gây trở ngại cho việc xuất khẩu cam quýt của nước ta.
1.2. Đặc điểm nhận dạng
Con trưởng thành: có chiều dài cơ thể khoảng 7-9mm, sải cánh rộng khoảng 13mm. Đầu mầu vàng, có dạng hình bán cầu, mặt trước màu nâu đỏ với 6 vệt màu đen, phía sau đầu có nhiều lông nhỏ. Râu đầu tương đối ngắn, có 33 đốt, hai đốt đầu nhỏ và ngắn, đốt cuối dài và to, trên đốt này có một lông nhọn. Ngực có màu nâu đỏ hoặc nâu tối, mặt lưng có một vân vàng hình chữ U. Bàn chân có 5 đốt, đốt cuối cùng có hai móng và một miếng đệm rất to. Đốt đùi của cả ba đôi chân có màu nâu đỏ, còn đốt chày và bàn chân có màu vàng. Cánh trong có màu khói, gần cạnh trước có màu đậm hơn.
Trưởng thành cái lớn hơn trưởng thành đực, có thể phân biệt dễ dàng bởi trưởng thành cái có ống để trứng kéo dài và nhọn. Con trưởng thành có khả năng bay rất xa. Thời gian sống của con trưởng thành khoảng 1-3 tháng.
Trứng: có hình hạt gạo, kích thước khoảng 1,0 x 0,2mm, khi mới đẻ có màu trắng sữa, khi sắp nở có màu vàng nhạt. Khi giòi nở, vỏ trứng tách theo một đường dọc.
Con ấu trùng: lúc mới nở dài khoảng 1,5mm, khi phát triển đầy đủ dài khoảng 6-8mm, màu vàng nhạt, miệng có móc.
Nhộng (kén giả) có hình trứng, dài khoảng 5-7mm, lúc đầu có màu vàng nâu, khi sắp vũ hoá chuyển sang màu nâu đỏ.
1.3. Đặc điểm sinh vật
Con trưởng thành cái dùng vòi đẻ trứng chọc thủng vỏ quả rồi đẻ trứng vào chỗ tiếp giáp giữa vỏ quả và thịt quả. Sau khi vũ hóa khoảng 7 – 15 ngày, con cái bắt đầu đẻ trứng. Kết quả nghiên cứu của các nhà chuyên môn cho thấy trong thời gian sống của mình một ruồi cái có thể đẻ từ 150-200 trứng, trung bình 50 trứng trong vòng 30 ngày. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, tuỳ theo nhiệt độ mà thời giai phát dục một vòng đời của ruồi đục quả khoảng 40-80 ngày (trong đó, trứng: 1,5 – 3,5 ngày, ấu trùng: 8 – 18 ngày, nhộng: 9 – 19 ngày và trưởng thành: 20 – 40 ngày).
Khi đẫy sức, nếu trái vẫn còn nằm trên cây thì ấu trùng búng mình rơi xuống đất (nếu trái đã rụng thì ấu trùng chui ra khỏi trái) rồi chui vào lớp đất mặt (sâu khoảng 3 – 7cm) dưới tán cây để hoá nhộng.
1.4. Đặc điểm phát sinh phát triển
Những kết quả nghiên cứu cho thấy ở miền Bắc nước ta loài ruồi này mỗi năm có thể phát sinh 6 – 7 lứa. Ruồi thường xuất hiện trên các vườn cam quýt vào khoảng tháng 5 hàng năm, nhưng đến tháng 8 – 9 (khi cam bắt đầu chín) mật độ ruồi mới tăng lên rõ rệt. Thời kỳ này, ruồi gia tăng mật số rất nhanh và đạt đỉnh cao vào cuối tháng 10 đầu tháng 11. Sau khi cam đã thu hoạch, ruồi chuyển sang các ký chủ khác. Trong mùa đông, vào những ngày ấm áp (nhiệt độ cao hơn 15oC), vẫn có thể gặp loài ruồi này hoạt động trên các vườn cam quýt nhưng với mật số rất thấp.
Theo các nhà chuyên môn trong điều kiện thời tiết, khí hậu và cây trồng ở ĐBSCL thì ruồi đục trái thường xuất hiện quanh năm, thời gian sống của con trưởng thành dài khoảng 1 – 3 tháng.
Thực tế vườn cây cho thấy những vườn cam quýt trồng dầy, làm cho vườn um tùm, rậm rạp, nhất là những vườn cam ven rừng thường là những vườn bị ruồi gây hại nhiều hơn những vườn khác.
2. Biện pháp canh tác
Không nên trồng cam quýt quá dầy và thường xuyên tỉa bỏ những cành nhánh bị sâu bệnh, cành nhánh nằm khuất bên trong tán cây để vườn luôn thông thoáng.
Nếu có điều kiện nên dùng bao giấy, bao nilon hoặc bao chuyên dùng bao trái để tránh ruồi tấn công.
Thường xuyên thu gom những trái đã bị ruồi gây hại (còn trên cây hay đã rụng xuống đất) đưa ra khỏi vườn tiêu hủy (đào hố chôn sâu hoặc ngâm trong nước) để hạn chế ruồi phát tán lây lan sang những trái khác trong vườn hoặc sang những vườn cây trái lân cận.
Có thể dùng những loại thuốc hột rải, rồi đảo trộn vào lớp đất mặt để tiêu diệt nhộng.
Dùng chất dẫn dụ ruồi: con trưởng thành đực của ruồi bị hấp dẫn bởi chất Methyl eugenol, nên có thể sử dụng chất này (chiết suất từ cây É tía hoặc cây Hương nhu) trộn với 1-3% thuốc Dipterx hoặc Naled, rồi tẩm vào mảnh vải dày làm bả, rồi treo bả vào cành cam quýt (treo 20-30 bả/ha), mỗi tuần tẩm lại bả một lần sẽ có tác dụng thu hút con trưởng thành đực đến ăn bả ngộ độc mà chết. Cũng có thể sử dụng một số thuốc dẫn dụ ruồi đục quả như Vizubon-D, Rumacon…Biện pháp này phải vận động được nhiều chủ vườn trên một vùng rộng lớn cùng tiến hành thì mới mang lại hiệu quả, tuyết đối không được thực hiện đơn độc chỉ một vài vườn, trong khi xung quanh không ai thực hiện sẽ dẫn dụ ruồi đến phá rất mạnh vườn có đặt bả.
Phải kiểm tra vườn cây thường xuyên, nhất là giai đoạn quả già sắp chín…để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ ruồi kịp thời.
3. Biện pháp lợi dụng thiên địch
(đang cập nhật)
4. Biện pháp thuốc BVTV
(Liên hệ với chúng tôi)
Nguồn: Nông dược Việt Nam