Sâu bướm- ‘kẻ thù kép’ của nhân loại

Không chỉ phá hoại mùa màng và cây trồng với tốc độ đáng kinh ngạc, phân của loài sâu bướm thải ra còn làm cho biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn?

Mỗi con sâu bướm tiêu thụ một lượng thức ăn lớn gấp 27.000 lần trọng lượng cơ thể của nó trong suốt vòng đời. Ảnh: Canva
Mỗi con sâu bướm tiêu thụ một lượng thức ăn lớn gấp 27.000 lần trọng lượng cơ thể của nó trong suốt vòng đời. Ảnh: Canva

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Cambridge vừa công bố cho biết, sâu bướm còn là tác nhân gây ra khí thải carbon nhưng điều này còn ít được biết tới.

Các nghiên cứu đã tập trung vào sự bùng phát hàng loạt của các ổ sâu bướm ăn lá và phát hiện ra rằng chúng đang gây hại cho môi trường với tốc độ hủy diệt.

Nhìn bề ngoài, sâu bướm là những sinh vật nhỏ bé và được biết đến là loài rất ‘háu đói’. Chúng có ăn ngấu nghiến một lượng lớn lá cây trong một giai đoạn vòng đời thường chỉ kéo dài vài tuần. Con số thống kê cho thấy, mỗi con sâu bướm đã tiêu thụ một lượng thức ăn lớn gấp 27.000 lần trọng lượng cơ thể của nó trong suốt vòng đời.

“Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở mức độ phá hoại cây trồng, mùa màng và môi trường, việc sâu bướm ăn quá nhiều lá cây đến mức chúng còn làm giảm số lượng thực vật ở đó để hấp thụ CO2 từ khí quyển”, báo cáo mới đánh giá tác động của sâu bướm liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu của Đại học Cambridge kết luận.

Tuy nhiên theo các nhà khoa học, điều đó không phải là tất cả. “Cũng như thói quen ăn ngấu nghiến lá cây của sâu bướm, phân của chúng còn thải ra một loại vi khuẩn giải phóng carbon dioxide – tình huống được mô tả là có đến hai điều tiêu cực xảy ra cùng lúc hoặc là “xấu gấp đôi”.

Các ghi nhận đối với nhiều loài sâu bướm thường sinh sống ở ven các hồ nước, và khi phân của chúng bị trôi vào sẽ tiếp tục gây ô nhiễm cả nguồn nước lẫn bầu không khí, là nguồn phát thải khí nhà kính.

“Những loài côn trùng này về cơ bản là những cỗ máy nhỏ bé có thể chuyển đổi lá cây giàu carbon thành chất thải giàu nitơ. Phân của chúng thải xuống hồ đã làm thay đổi đáng kể thành phần hóa học của nước”, tác giả chủ trì báo cáo khoa học, giáo sư Andrew Termanentzap (khoa Khoa học Thực vật của Đại học Cambridge) cho biết.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy, xét từ góc độ khí hậu thì loài sâu bướm “khá tệ”. Ghi nhận trong những năm có dịch hại hay các đợt bùng phát côn trùng ở nhiều nơi, diện tích lá của các khu rừng đã giảm trung bình tới 22%. Đồng thời, các hồ nước ở khu vực lân cận sau khi đo đạc cho thấy có chứa nồng độ nitơ hòa tan lên tới trên 112%.

Không chỉ phá hoại mùa màng, phân thải của sâu bướm còn gây ô nhiễm nguồn nước và phát thải khí nhà kính. Ảnh: Canva
Không chỉ phá hoại mùa màng, phân thải của sâu bướm còn gây ô nhiễm nguồn nước và phát thải khí nhà kính. Ảnh: Canva

Kết quả báo cáo được các nhà nghiên cứu tổng hợp 32 năm thống kê dữ liệu của nhiều tổ chức liên quan, tham gia các cuộc khảo sát về sự bùng phát côn trùng và nguồn nước ở 12 lưu vực hồ nước ngọt trên khắp Ontario, Canada.

Sam Woodman, nhà nghiên cứu thực vật ở Đại học Cambridge và là đồng tác giả của báo cáo cho biết: “Thật đáng kinh ngạc khi những loài côn trùng này có thể có tác động rõ rệt đến chất lượng nước. Xét từ góc độ khí hậu, chúng khá tệ – tuy nhiên hiện chúng hoàn toàn bị bỏ qua trong các mô hình khí hậu”.

Sâu bướm chính là ấu trùng (giai đoạn chưa trưởng thành) của bướm và bướm đêm.

Sâu bướm (Megalopyge opercularis), theo thứ tự Lepidoptera, còn được gọi là asps. Chúng là một trong những con sâu bướm độc hại nhất ở Bắc Mỹ. Các loài sâu bướm puss moth là loài đặc hữu của miền nam nước Mỹ và sống trong những cây bóng mát và cây bụi xung quanh nhà, khuôn viên trường học và trong các công viên. Sâu bướm đẻ 2 thế hệ mỗi năm, đỉnh điểm thường vào cuối mùa xuân và cuối mùa thu. Một số loài có hình thù, màu sắc sặc sỡ và bộ lông dài. Màu của chúng có thể tự thay đổi từ màu vàng hoặc màu xám đến nâu đỏ.

Sâu bướm di chuyển rất chậm chạp vì chúng chỉ có 3 cặp chân nhỏ nằm ở phía trước cơ thể. Để đỡ phần cơ thể dài phía sau, chúng thường có cơ quan giúp chúng bám vào bề mặt vật. Các cơ quan này được gọi là chân giả. Một nhóm số sâu bướm lớn chỉ có 2 cặp chân giả, gần phía sau cơ thể chúng. Khi di chuyển, chúng phải làm cho cơ thể cuộn lại, và đẩy mình về phía trước. Chúng được gọi là các con sâu bướm cuộn. Ngoài ra, cũng có các loài di chuyển theo những cách khác như vặn mình, lộn đầu…

Một số loại sâu bướm có nọc độc thường gây ra đau nhói, buốt, bỏng rát, và phát ban với các đốm đỏ trên da người tiếp xúc. Những bệnh nhân nhạy cảm hơn thậm chí có thể bị sưng, buồn nôn, đau bụng, nhức đầu, hạch to, viêm lympho, sốc và suy hô hấp. Vết sưng đau thường giảm trong vòng một giờ đồng hồ, và những vết tổn thương khá lâu mới lành.

Hà Dương (Euronews; umd.edu)

ĐẶT HÀNG ZALO