Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa

1. Giới thiệu chung

Tên khoa học: Cnaphalocrosis medinalis (Guenee) (Lepidoptera: Pyralidae)

Tên Việt Nam khác: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu cuốn lá nhỏ hại lúa.

1. 1 Triệu chứng, mức độ hại

Sâu non nhả tơ cuốn dọc hoặc gập ngang lá lúa thành bao lá. Sâu non ăn biểu bì mặt trên và diệp lục lá theo dọc gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt này có thể nối liền nhau thành mảng lớn, lá lúa bị trắng, làm giảm diện tích quang hợp. Một sâu non có thể phá hại 5-9 lá với tổng diện tích lá bị hại trung bình 13,8 cm2/ sâu non. Sâu CLN gây giảm đáng kể năng suất lúa.

1.2 Nhận dạng

Trứng hình bầu dục, dài là 0,5 mm. Sâu non có 5 – 6 tuổi, sâu non đấy sức dài 19 mm. Nhộng dài 7-10mm. Trưởng thành có thân dài 10 mm, sải cánh rộng 19 mm

1.3 Sinh vật học

Ban ngày trưởng thành ẩn náu trong tán lá lúa hoặc cỏ dại, hoạt động sống vào ban đêm. Trưởng thành cái bay vào đèn nhiều hơn trưởng thành đực. Trưởng thành cái thích đẻ trứng ở những ruộng xanh tốt. Sâu non mới nở rất linh hoạt, có thể chui vào lá nõn, mặt trong bẹ lá, mép cuốn ngọn lá, bao cũ. Từ cuối tuổi 2, sâu non bắt đầu nhả tơ cuốn lá lúa thành bao, có khi kết 2-5 lá dệt thành một bao. Sâu non nằm trong bao phá hoại suốt ngày đêm, có thể di chuyển ra khỏi bao cũ để làm bao mới phá hoại. Sâu non đẫy sức dệt kén mỏng để hóa nhộng ở phía dưới khóm lúa, trong bẹ lá, trong bao cũ.

Vòng đời của CLN kéo dài 28 – 36 ngày (thời gian các pha trứng: 3-7 ngày, sâu non: 14-16 ngày, nhộng: 6-7 ngày). Một trưởng thành cái đẻ 76-300 trứng. Trưởng thành sống 2-6 ngày.

Sâu CLN gây hại chủ yếu cây lúa. Ngoài ra, có thể phá hại trên các cây ngô, cao lương, lúa mì, mía, cỏ lông, lồng vực cạn, cỏ môi, cỏ lá tre…

1.4. Sự phát sinh phát triển

Sâu CLN có phân bố ở các nước trồng lúa ở châu Á, Papua NewGuinea và Australia. Ở Việt Nam, sâu CLN phát sinh ở khắp các vùng trồng lúa.

Sâu CLN phát sinh quanh năm, khi không có cây lúa trên đồng, nó sống trên cây ký chủ phụ. Nhiệt độ và độ ẩm thích hợp là 24-30oC, 85-88% ẩm độ và nắng mưa xen kẽ. Không có mưa hoặc ít mưa làm giảm sức đẻ trứng. Ruộng lúa gieo cấy dày hơn hoặc được bón nhiều phân đạm bị hại nặng hơn.

Ở miền Bắc sâu CLN có thể phát sinh 7- 8 lứa gối nhau. Mật độ sâu non cao nhất ở lứa 2 và lứa 6. Sâu non lứa 3 và lứa 7 trùng vào giai đoạn làm đòng, trỗ. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, sâu CLN phát sinh quanh năm, phát triển mạnh vào tháng 7 – 8 trên lúa hè thu, tháng 10 – 11 trên lúa thu đông và tháng 12 – tháng 1 trên lúa đông xuân.

Sâu CLN có tập đoàn thiên địch phong phú. Phổ biến là các ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ), ong ký sinh sâu non (ong kén trắng Apanteles cypris, ong đen lớn Cardiochiles sp., ong đa phôi Copidosomopsis coni, ong vàng Temelucha philippinensis,…) ong ký sinh nhộng (ong đen đùi to Brachymeria excarinata, ong cự nâu Phaeogenes sp., ong cự vàng Xanthopimpla spp.) và các loài bắt mồi (bọ ba khoang Ophionea spp., bọ cánh cộc Paederus spp., nhện lớn bắt mồi (Oxyopes sp., Pardosa pseudoannulata,…).

2. Biện pháp canh tác

Diệt trừ lúa chét, cỏ dại họ hòa thảo trên bờ ruộng.

Dùng bẫy đèn đồng loạt trên diện rộng để diệt trưởng thành khi chúng xuất hiện rộ.

Bón phân cân đối, hạn chế sử dụng phân đạm quá liều lượng và bón không đúng cách.

Gieo cấy tập trung thành trà, tránh hiện tượng gieo cấy nhiều trà, gieo cấy mật độ hợp lý.

3. Biện pháp lợi dụng thiên địch

Bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên của sâu cuốn lá nhỏ, có điều kiện có thể nhân ong mắt đỏ Trichogramma spp. thả khi trưởng thành đẻ trứng rộ.

4. Biện pháp thuốc BVTV

Sâu cuốn lá hại lúa có thể sử dụng nhiều loại thuốc khác để phòng trừ hiệu quả nhưng trong giới hạn của Giải pháp này chúng tôi chỉ hướng dẫn sử dụng được một số loại thuốc.

Ghi chú:

Nếu các dịch hại xảy ra cùng lúc có thể kết hợp thuốc để giảm công phun.

Cùng với giải pháp này kính đề nghị quý khách căn cứ sự chỉ đạo của cơ quan BVTV địa phương để vận dụng tốt, đảm bảo hiệu quả cao với tiêu chí phòng là chính.

Theo: Nông dược Việt Nam

ĐẶT HÀNG ZALO