Cuộc khủng hoảng nhiên liệu và năng lượng trên thế giới thời gian qua tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của các quốc gia. Đặc biệt, tình trạng thiếu phân bón trên phạm vi toàn cầu đang “nóng” lên từng ngày.
Giá phân bón tổng hợp (còn gọi là phân hóa học, phân vô cơ) tăng mạnh trong năm qua. Điều đó làm tăng thêm thách thức cho chuỗi cung ứng nông sản vào thời điểm giá lương thực toàn cầu đạt mức cao kỷ lục.
Chỉ số giá phân bón tổng hợp trên thị trường Bắc Mỹ lên gần mức cao nhất mọi thời đại. Giá phân ure giao ngay tại Trung Quốc đã tăng hơn 200% chỉ trong năm 2021.
Nguyên nhân được cho là do giá khí đốt tự nhiên tăng cao trong bối cảnh nhu cầu gia tăng khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và châu Âu đang thiếu hụt nguồn năng lượng dự trữ trong mùa đông. Khí tự nhiên được sử dụng trong quá trình sản xuất phân bón tổng hợp và chi phí sản xuất cao đã khiến nhiều công ty cắt giảm sản lượng.
Ure-loại phân bón nông nghiệp quan trọng, được sử dụng phổ biến nhất để thúc đẩy sản xuất ngô, cải dầu và các loại cây trồng khác, đang trải qua tình trạng khan hiếm chưa từng có. Giá phân đạm ure đang ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào lượng ure nhập khẩu của Trung Quốc để làm chất lỏng công nghiệp, giúp phân hủy các khí thải độc hại. Ure trở thành “thần dược” giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo cơ chế: Hệ thống điều khiển động cơ diesel của xe tải sẽ không thể khởi động nếu hết dung dịch ure.
Khi giá ure tăng gấp 10 lần hồi tháng trước, một số tài xế xe tải Hàn Quốc cho biết họ phải nghỉ việc vì không chịu được chi phí cao. Tại Ấn Độ, nỗi lo thiếu phân bón đã khiến đám đông nông dân tuyệt vọng tập trung bên ngoài các trung tâm phân phối của chính phủ và đụng độ với cảnh sát.
Hồi tháng 11, Nga tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ trong 6 tháng. Trung Quốc cũng đang hạn chế xuất khẩu nitơ và ure. Đây là hai nước xuất khẩu phân bón hóa học đứng hàng đầu thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc chiếm khoảng 1/10 sản lượng xuất khẩu ure toàn cầu và 1/3 sản lượng xuất khẩu diammonium phosphate-một loại phân bón phổ biến trong nông nghiệp.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Belarus cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất kali-một loại phân bón quan trọng khác. Nhà sản xuất phân bón lớn của Mỹ CF Industries cũng đã tạm dừng hoạt động của hai nhà máy ở Anh từ tháng 9, với lý do chi phí sản xuất cao do giá khí đốt tự nhiên tăng cao.
Phân bón tổng hợp giúp nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng, nó chiếm tỷ trọng 80% trong phân bón cho nông nghiệp. Tuy nhiên, các thành phần hóa học trong phân bón tổng hợp lâu ngày có thể khiến đất bạc màu, gây ô nhiễm môi trường, chứa độc tố gây ung thư, nguy hại với sức khỏe con người.
Trong khi đó, phân hữu cơ cũng có thể tăng cường chất dinh dưỡng cho cây trồng, giảm sự biến đổi tự nhiên trong các sản phẩm nông nghiệp, cải tạo dinh dưỡng cho đất và thân thiện với môi trường nếu được sử dụng đúng cách.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã tích cực đẩy mạnh chiến lược biến chất thải nông nghiệp và chăn nuôi như phân động vật, lông gà, lá và thân cây… thành phân bón hữu cơ. Các sản phẩm phân bón này có thể giúp giảm lượng khí thải của nông nghiệp, giảm phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh không mấy tích cực cho những người làm nông nghiệp, nhu cầu về phân bón hữu cơ (hay phân động vật, phân chuồng) tăng cao, khiến giá mặt hàng này cũng tăng theo. Tại bang Iowa, Mỹ, phân chuồng đang được bán với giá từ 40USD đến 70USD/tấn, tăng khoảng 10USD so với năm 2020 và là mức cao nhất trong 10 năm qua.
Theo Bert Frost, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh của CF Industries, tình trạng khan hiếm phân bón có thể kéo dài ít nhất hết năm 2023. Và chắc chắn, đó là một thách thức không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp toàn cầu.
HÀ PHƯƠNG (Quân đội nhân dân)