Vùng chè di sản khổng lồ: Loại chè bạc triệu trên núi cao 2.400m

Ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang chỉ duy nhất dịp cuối đông và đầu xuân là có chè móng rồng, loại chè 1kg đắt tương đương 1 chỉ vàng.

Chè móng rồng ở Hà Giang mọc ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Ảnh: Đào Thanh.
Chè móng rồng ở Hà Giang mọc ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Ảnh: Đào Thanh.

2 thôn được hưởng “lộc rừng”

Bắc ấm nước sôi bốc hơi nghi ngút xuống khỏi bếp lửa bập bùng, anh Đặng Văn Long, người thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ nhanh tay pha mời chúng tôi mẻ chè móng rồng đầu mùa. Dòng nước lấy ở con suối Nặm Má bắt nguồn từ trên đỉnh của cánh rừng già về trong vắt hòa vào giống trà lạ lên màu sóng sánh. Gặp nước nóng, hương chè được đánh thức luồn vào khứu giác của chúng tôi. Chè móng rồng có mùi thơm thoang thoảng, vị không chát như chè Shan tuyết mà thanh mát, ngọt hậu.

Long bảo, vì vị không đậm đà, không nhiều chát nên người Lùng Tao cũng như người Hà Giang ít thích chè móng rồng như chè Shan tuyết. Nhưng người Pháp, người Trung Quốc và nhiều người sành chè lại rất ưa chuộng vì nó nhiều dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Bởi thế họ đã trả từ 2 triệu đến 5 triệu đồng/kg chè khô; còn chè tươi giá từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg.

Sản phẩm chè móng rồng tươi có giá từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg. Ảnh: Hoàng Kiêm.
Sản phẩm chè móng rồng tươi có giá từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg. Ảnh: Hoàng Kiêm.

Để làm ra sản phẩm chè móng rồng ngon, người làm chè ở Cao Bồ phải có đôi tay tài hoa, là người có đôi bàn tay nhuộm đầy màu của nhựa chè. Nhựa chè dính vào tay người khi hái, rồi trong quá trình lên lửa bên bếp lò, người ta dùng tay đảo chè để cảm nhận độ già, độ non của ngọn lửa rồi điều chỉnh ngọn lửa cho phù hợp với từng công đoạn sao chè tươi, dệt men và sao khô.

Xã Cao Bồ thôn nào cũng có chè Shan tuyết, nhưng để “săn” chè móng rồng thì chỉ có người ở Lùng Tao và Tham Lè. Đây cũng là 2 thôn được giao quản lý, bảo vệ những cánh rừng trên đỉnh núi SaPo cao hơn 2.400m so với mực nước biển.

Đỉnh SaPo là điểm cao nhất của Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh. Đây là khu vực có nhiều núi cao, độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, hiểm trở. Từ đỉnh SaPo, dãy Tây Côn Lĩnh phát triển thêm nhiều dãy núi lớn khác chạy xuống phía nam; đường phân thủy phía tây đổ xuống sông Chảy, phía đông đổ xuống sông Lô.

Giống chè móng rồng chỉ ở ngọn núi cao SaPo mới có, mật độ mới dày. Những búp chè to bằng đầu chiếc đũa con, có búp to bằng chiếc bút bi. Để có một mẻ móng rồng ngon nhất, người làm chè phải đi từ đêm khi trời còn nhá nhem, nhọ mặt người. Đến khi nắng sớm kịp xen qua những vòm lá, thì họ đã lên đến đỉnh núi để vừa đón ánh sáng mặt trời dễ việc leo trèo và thu hái; vừa để kịp mang về chế biến luôn trong ngày. Khi về đến nhà, kể cả giữa đêm muộn, dù người đã thấm mệt người hái chè móng rồng vẫn gắng nhóm lò, thổi lửa để chế biến. Bởi nếu để quá lâu chè sẽ bị ôi, mất vị, mất hương và mất giá.

Chè móng rồng chỉ cho thu hoạch 1 vụ duy nhất trong năm vào dịp cuối thu đầu xuân. Ảnh: Đặng Long. 
Chè móng rồng chỉ cho thu hoạch 1 vụ duy nhất trong năm vào dịp cuối thu đầu xuân. Ảnh: Đặng Long. 

Anh Đặng Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ cho biết, so với chè Shan tuyết thì chè móng rồng lá to và dầy hơn; mầm ra từ thân và cành, vị đắng thanh, pha lẫn ngọt mát. Chè móng rồng trên địa bàn xã có số lượng không lớn như chè Shan tuyết nhưng tuổi đời cũng cả trăm năm. Một vụ thu hoạch chè móng rồng của cả xã Cao Bồ cũng chỉ được tổng sản lượng khoảng 2 tạ chè khô nhưng khá được giá.

Mùa “săn” chè móng rồng

Những ngày đông, sương giăng kín bản, lạnh cóng, nhưng anh Đặng Văn Long, người chuyên đi “săn” chè rừng ở xã Cao Bồ vẫn lên rừng tìm chè móng rồng. Loài chè mà 1kg chè tươi có thể bán từ 250.000 đến 300.000 đồng, còn chè khô giá vài triệu có khi đắt bằng cả chỉ vàng. Long bảo rằng, nếu không hái sớm để quá lứa thì chè không còn quý và được giá nữa. Hơn nữa vì chè đắt giá, nên không ít người cũng đi “săn” chè như Long.

Giống như chè Shan tuyết, chè móng rồng có tuổi đời cả trăm năm, sống trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Ảnh: Đào Thanh.
Giống như chè Shan tuyết, chè móng rồng có tuổi đời cả trăm năm, sống trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Ảnh: Đào Thanh.

1 túi vải khoác sau lưng, 1 con dao, chân bó chặt ống quần để phòng vệ loài vắt rừng bé li ty nhưng có khả năng luồn lách khủng khiếp và chỉ trực chờ người đi rừng sơ hở là tấn công thỏa thích cơn háu đói của mình. Long bảo với tôi, rừng Tây Côn Lĩnh cao lắm, nhưng không cao bằng bước chân người Dao áo dài. Chẳng thế mà nơi nào bước chân Long cũng đặt tới đến mòn gót.

Để phòng những hôm chưa hái được đủ công, người Dao ở Lùng Tao và Tham Lè đi rừng thường mang theo gạo, thức ăn, bật lửa. Đặc biệt đồ nghề không thể thiếu là con dao quắm, nó vừa là vật phòng thân khi nguy hiểm, vừa phát đường rậm rạp mà đi, vừa để đốn những cành chè trên cao không thể leo lên được. Nhưng dù chưa hái được nhiều mà đến hôm thứ 2 người săn chè móng rồng cũng vẫn phải về để chế biến, nếu không chè không còn đủ vị đậm đà riêng của nó. Trung bình mỗi ngày, 1 người hái được từ 1kg đến 3kg, người hái giỏi hái được 5kg là nhiều nhất.

Anh Hoàng Văn Kiêm là người Tày ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nhưng về bản người Dao áo dài Tham Lè ở rể từ năm 2005. Nhận về ở rể người Dao, Kiêm mang họ người Dao. Hơn 16 năm làm rể ở Tham Lè, Kiêm học được cách làm nương, hái, chế biến chè đặc sản. Hơn 10 năm nay, mùa chè móng rồng năm nào anh cũng lên rừng để hái vài kg chè tươi.

Khi thấy chè có giá, trong khi đó người dân địa phương không biết mối bán, anh đã nhận thu mua của bà con. Mỗi vụ anh thu mua bán ra thị trường khoảng 50kg chè khô, tương đương giá trị hơn 100 triệu đồng.

Sản phẩm chè móng rồng của gia đình ông Đặng Văn Minh. Ảnh: Đào Thanh.
Sản phẩm chè móng rồng của gia đình ông Đặng Văn Minh. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Kiêm cho biết, người già ở bản Tham Lè trước kia không biết những cây chè móng rồng có thể bán ra tiền nên đồng loạt chặt đi để trồng thảo quả. Chỉ đến khoảng 10 năm trở lại đây, khi những người Trung Quốc đến đặt mua với giá khá cao, người làng mới ngỡ ngàng nhận ra từ trước đến nay đã chặt đi cây “sinh” ra tiền mà núi rừng ban lộc. Nhiều hộ đã bắt đầu trồng lại giống chè này trên khoảnh rừng được giao khoán bảo vệ.

Giống chè móng rồng lớn rất chậm, 1 cây từ khi trồng đến khi thu hoạch phải mất 10 đến 20 năm. Nhưng người Dao vẫn trồng với ý nghĩ, giờ mình trồng để cho đời con, đời cháu mình được hưởng.

Chia tay Cao Bồ, những người Dao áo dài ở các bản làng nơi đây hẹn tôi sang năm khi vụ chè xuân vào dịp thu hoạch lứa đầu mùa phải lên chơi. Khi ấy họ sẽ đãi tôi loại chè hảo hạng nhất. Bởi khi ấy cũng là dịp cây chè hưởng lộc đất trời cho ra mầm, trồi ngon nhất sau nhiều ngày tích lũy dinh dưỡng từ đất và ngủ đông.

Lên Cao Bồ vào mùa xuân, họ hẹn tôi đi ngắm rừng hoa đỗ quyên đỏ, hồng, trắng cổ thụ khổng lồ nở rực rỡ trên đỉnh núi SaPo cao hơn 2.400m so với mực nước biển, nơi duy nhất có khí hậu và thổ nhưỡng hợp với loài chè móng rồng quý như vàng.

Một khó khăn trong việc phát triển năng suất cũng như thương hiệu chè móng rồng nói riêng và chè Shan tuyết ở Cao Bồ nói chung là tập quán canh tác của người dân chủ yếu vẫn là tập quán canh tác cũ, kỹ thuật lạc hậu, quảng canh, ít có tác động các biện pháp kỹ thuật. Chè chưa được đốn, hái và chăm sóc đúng kỹ thuật; đất không được cải tạo theo một quy trình hợp lý, không bón hoặc bón quá ít phân hữu cơ. Bởi vậy nhiều diện diện tích chè đã bị thu hẹp.

Đào Thanh (Nông nghiệp Việt Nam)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO