Sử dụng phân bón: Chỉ mình hữu cơ là chưa đủ

‘Mỗi cây trồng đều có nhu cầu nhất định về dinh dưỡng để có năng suất, chất lượng tốt nhất. Chỉ sử dụng phân hữu cơ, sẽ không đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng’.

Đó là quan điểm của TS Bùi Huy Hiền, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Bộ NN-PTNT).

Nông nghiệp hữu cơ đang là định hướng lớn mà ngành nông nghiệp đang hướng tới. Tuy nhiên trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, cân nhắc thế nào trong việc sử dụng giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ để vừa phù hợp với định hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, vừa đảm bảo tốt nhất năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, cho lợi ích kinh tế cao nhất lại đang là vấn đề còn nhiều ý kiến.

TS Bùi Huy Hiền, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Bộ NN-PTNT) cho rằng, trong điều kiện trồng trọt hiện nay của nước ta, có thể phấn đấu tỷ lệ dinh dưỡng 70% từ phân bón vô cơ và 30% từ phân bón hữu cơ trong sử dụng phân bón là tốt nhất. Tuy nhiên, để sử dụng có hiệu quả, cần phải đảm bảo được nguyên tắc “5 đúng và 1 cân đối”.

TS Bùi Huy Hiền, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Tùng Đinh.
TS Bùi Huy Hiền, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Tùng Đinh.

Nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng đang nở rộ ở nước ta. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sẽ rất khó đảm bảo được năng suất, chất lượng và lợi nhuận trong sản xuất hàng hóa. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Phân bón hữu cơ có nhiều loại dinh dưỡng đa lượng, trung lượng và vi lượng. Đa lượng có N, P, K; trung lượng có Ca, Mg, S, Si…; vi lượng có thể là Bo, Cu, Fe… Ngoài tính chất hóa học, phân bón hữu cơ còn có tính chất vật lý và sinh học của đất.

Trong khi đó, phân bón vô cơ được sản xuất theo quy trình công nghiệp, có hàm lượng chất dinh dưỡng rất lớn với thành phần N, P, K hoặc các yếu tố trung lượng, vi lượng khác được bổ sinh trong quá trình sản xuất.

Ưu điểm của phân bón vô cơ là hàm lượng dinh dưỡng rất cao nhưng chỉ chứa một số lượng nhỏ các nguyên tố trung lượng và vi lượng. Ngoài ra, nhược điểm của phân vô cơ là luôn tồn tại các kim loại nặng, có nguồn gốc từ nguyên liệu như chì (Pb), Hg (thủy ngân)…

Với phân bón hữu cơ, dù chứa nhiều loại dinh dưỡng nhưng nhược điểm lại là hàm lượng thấp. Bên cạnh đó, phân hữu cơ không phải chỉ toàn lợi ích, mà cũng tiềm tàng nguy cơ chứa các vi sinh vật có hại cho cây trồng. Chưa kể, với điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cao như ở Việt Nam thì phân bón hữu cơ bị phong hóa, phân hủy rất nhanh.

Theo TS Bùi Huy Hiền, phân bón hữu cơ có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng chỉ mình phân bón hữu cơ sẽ không giải quyết được mọi yêu cầu trong sản xuất hàng hóa hiện nay. Ảnh: Tùng Đinh.
Theo TS Bùi Huy Hiền, phân bón hữu cơ có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng chỉ mình phân bón hữu cơ sẽ không giải quyết được mọi yêu cầu trong sản xuất hàng hóa hiện nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Ở Việt Nam, trên bản đồ 1/1.000.000 có thể phân thành 12 nhóm, trong đó bao gồm 24 loại đất chính. Riêng với đất ở các vùng canh tác nông nghiệp, có thể chia thành 14 nhóm, tương ứng với 62 loại đất khác nhau.

Nhìn chung, từ các loại đất bạc màu cho đến đất phù sa của Việt Nam hiện nay, hàm lượng chất hữu cơ đều thấp. Nguyên nhân là do trong khoảng 20 năm trở lại đây, chúng ta đã thâm canh, tăng hệ số sử dụng đất trong năm, sử dụng hàng trăm triệu tấn phân bón, chủ yếu là phân vô cơ.

Điều này khiến sức khỏe đất bị giảm đi. Kéo theo đó, tất cả các tính chất hóa học, vật lý, sinh học của đất cũng bị suy giảm. Muốn khắc phục được tình trạng này, chúng ta cần phải sử dụng đến phân bón hữu cơ.

Vậy theo ông, cơ cấu, tỷ lệ sử dụng giữa 2 loại phân này thế nào là hợp lý để vừa gia tăng sức khỏe cho đất, vừa đảm bảo được năng suất, sản lượng, chất lượng cho nông sản?

Để làm được như vậy, chúng ta cần sử dụng cân đối giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ. Mỗi cây trồng đều có nhu cầu nhất định về dinh dưỡng được cung cấp để có được năng suất và chất lượng tốt nhất.

Do đó, nếu chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sẽ không thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng đạt yêu cầu. Vì vậy, cần có sự tham gia của phân bón vô cơ.

Sử dụng cân đối phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ có thể giúp cây trồng khỏe mạnh, đảm bảo chất lượng, năng suất mà sức khỏe đất vẫn được cải thiện. Ảnh: Đức Minh.
Sử dụng cân đối phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ có thể giúp cây trồng khỏe mạnh, đảm bảo chất lượng, năng suất mà sức khỏe đất vẫn được cải thiện. Ảnh: Đức Minh.

Trong điều kiện trồng trọt hiện nay, có thể phấn đấu tỷ lệ là 70% vô cơ và 30% hữu cơ trong sử dụng phân bón. Tuy nhiên, để sử dụng có hiệu quả phân bón, chúng ta phải đảm bảo được “5 đúng và 1 cân đối”.

“5 đúng” đó là đúng loại đất, đúng cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách. Còn “1 cân đối” ở đây là khi chúng ta đảm bảo được “5 đúng” nói trên. Nguyên nhân là do chúng ta có nhiều loại đất khác nhau, nhiều loại cây khác nhau, nhu cầu khác nhau, trồng ở những vùng khác nhau và khả năng hấp thụ khác nhau.

Ví dụ, khi bón phân, tùy vào điều kiện chúng ta có thể rải trên mặt, bón theo rãnh hoặc bón rồi lấp đất. Nếu bón không đúng cách, thì đạm có thể bốc hơi, lân có thể bị phản ứng khiến cây trồng không hấp thụ được.

Nếu chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, sẽ khiến năng suất cây trồng bị giảm. Do đó, nếu muốn phát triển được ngành nông nghiệp theo hướng an toàn, đảm bảo quy mô hàng hóa, chúng ta phải sử dụng thêm phân bón vô cơ.

Ngoài ra, nếu muốn sản xuất được nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn, chúng ta phải xây dựng được những vùng sản xuất đủ lớn, cần đánh giá được chỉ tiêu của từng khâu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Vấn đề lớn nhất cần giải quyết hiện nay của nông nghiệp nước ta là làm sao cân đối được giữa phân bón hữu cơ và vô cơ trong sản xuất, tránh lạm dụng phân bón vô cơ. Ảnh: Đức Minh.
Vấn đề lớn nhất cần giải quyết hiện nay của nông nghiệp nước ta là làm sao cân đối được giữa phân bón hữu cơ và vô cơ trong sản xuất, tránh lạm dụng phân bón vô cơ. Ảnh: Đức Minh.

Bên cạnh đó, cần tập huấn cho công nhân, nông dân về kỹ thuật canh tác hữu cơ. Sau khi sản xuất được, còn phải đánh giá thêm về nhu cầu thị trường vì rõ ràng giá của nông sản hữu cơ sẽ cao hơn nông sản thông thường.

Đối với các vùng sản xuất hàng hóa, thâm canh tăng năng suất, nhất định vẫn phải sử dụng cân đối tỷ lệ giữa phân bón hữu cơ và vô cơ như đã đề cập ở trên để đảm bảo được lợi ích kinh tế cho nông dân.

Nguồn nguyên liệu dồi dào cho phân bón hữu cơ

Hiện nay, nếu tính tổng phế phụ phẩm của trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam có khoảng 160 triệu tấn. Trong đó, ngành trồng trọt khoảng 90 triệu tấn, ngành chăn nuôi khoảng 60 triệu tấn, ngành thủy sản khoảng 2 – 3 triệu tấn và ngành lâm nghiệp khoảng 3 triệu tấn.

Theo TS Bùi Huy Hiền, trong số 160 triệu tấn phụ phẩm trên, có thể tổng hợp được khoảng 85 triệu tấn hữu cơ nguyên chất để sản xuất ra phân hữu cơ. Nếu quy sang phân bón vô cơ, sẽ vào khoảng trên 3 triệu tấn N, 8 triệu tấn P và 8 triệu tấn K.

Hiện nay, do chưa tập trung được nguyên liệu đầu vào, cả nước mỗi năm chỉ sử dụng khoảng 20 triệu tấn phân hữu cơ. Trong đó, nông dân tự làm khoảng hơn 16 triệu tấn còn hơn 3 triệu tấn ra đời từ các nhà máy.

“Nếu muốn sản xuất được phân hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp, chúng ta cần tập trung được nguồn đầu vào”, TS Bùi Huy Hiền nhận định. Ngoài ra, ông cũng cho biết cần quan tâm đến vấn đề công nghệ, thiết bị để có thể sản xuất phân hữu cơ một cách hiệu quả.

Điều quan trọng nhất là phải tạo được thói quen cho người nông dân về việc mua và sử dụng phân bón hữu cơ. Để làm được điều đó, ông Bùi Huy Hiền cho rằng cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cũng như hệ thống khuyến nông cơ sở.

Xin cảm ơn ông!

Tùng Đinh – Đức Minh (Nông nghiệp Việt Nam)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *